Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:49
RSS

Thanh Hóa: Nhiều phương án hỗ trợ để học sinh không dừng việc học

Thứ sáu, 05/11/2021, 11:10 (GMT+7)

Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em’, nhiều cán bộ, giáo viên ở Thanh Hóa đã trích một ngày lương chung tay ủng hộ. Các trường, triển khai nhiều phương án dạy học phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.

Sự kiện:
Thanh Hóa


Thầy Trần Anh Văn (phải) - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) trao điện thoại do bạn đọc Báo GD&TĐ hỗ trợ cho học sinh nghèo của nhà trường.

Chung tay hỗ trợ học sinh khó khăn

Tròn một tháng Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Công đoàn GDVN phát động Chương trình “Máy tính cho em”, hòa cùng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Thủ tướng Chính Phủ, đã mang lại sức lan tỏa rất lớn.

Tại Thanh Hóa nhiều đơn vị, trường học đã hưởng ứng mạnh mẽ. Mặc dù, là trường học thuộc huyện miền núi xa xôi, hẻo lánh nhưng Trường THPT Mường Lát (huyện Mường Lát) đã có những việc làm thiết thực.

Theo thầy Trần Anh Văn – Hiệu trưởng nhà trường, ngay sau khi chương trình được phát động, nhà trường đã kêu gọi sự chung tay hỗ trợ từ các nhà hảo tâm đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

“Toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã trích một ngày lương chung tay với cả nước hỗ trợ mua sắm thiết bị cho các em có hoàn cảnh khó khăn”, thầy Văn nói.

Theo thầy Văn, hiện nay 100% học sinh (HS) khối lớp 12 của trường đã có điện thoại thông minh hoặc máy tính phục vụ học trực tuyến. Với khối lớp 10, 11 chiếm khoảng 80 – 85%, trong đó chủ yếu là điện thoại thông minh.

“Trường cũng đã rà soát những trường hợp HS khó khăn, thiếu thốn trang thiết bị học tập để có phương án hỗ trợ các em”, thầy Văn cho biết.


Cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ ôn tập.

Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) cũng hưởng ứng chương trình của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT bằng một ngày lương của mỗi cán bộ, giáo viên.

Thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay số lượng HS có máy tính hoặc điện thoại thông minh phục vụ học trực tuyến, chiếm khoảng hơn 50%.  Số HS chưa có thiết bị, máy tính, nhà trường đã lập danh sách để có phương án hỗ trợ các em.

“Là trường học thuộc huyện vùng cao, biên giới nên hầu hết các em không có điều kiện mua sắm trang thiết bị để học trực tuyến. Vì vậy, nhiều em hiện đang phải sử dụng chung một thiết bị. Tuy nhiên, cách học này chỉ phù hợp trong điều kiện an toàn không có dịch bệnh”, thầy Đạo cho hay.

Theo thầy Đạo, chương trình “Máy tính cho em” của Bộ GD&ĐT hòa cùng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Đa dạng phương án dạy và học phù hợp

Một trong những trở ngại, khó khăn đối với học sinh thuộc khu vực miền núi khi dạy học trực tuyến, đó là sóng không ổn định. Ngoài ra, các em cũng thiếu thốn về trang thiết bị học tập.

Trước tình hình này, nhiều trường tại Thanh Hóa đã chủ động xây dựng các phương án dạy và học phù hợp với tình hình thực tế.

Tại Trường THPT Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc), ngay từ đầu năm học 2021 – 2022, nhà trường đã triển khai nhiều phương án. Bên cạnh hình thức dạy học trực tiếp trên lớp, trường cũng kết hợp dạy trực tuyến đối với học sinh trở về từ vùng dịch.


Cựu học sinh Trường THPT Ngọc Lặc trao tặng thiết bị dạy học cho nhà trường. 

Theo thầy Vũ Ngọc Liêm – Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc, hiện nay số lượng HS có máy tính xách tay, máy tính để bàn chỉ khoảng 300 em trong tổng số hơn 1.400 HS. Còn lại, các em chủ yếu sử dụng điện thoại thông minh.

“Ngoài thiếu thốn trang thiết bị học trực tuyến, có những khu vực sóng rất kém, vì vậy việc triển khai học trực tuyến rất khó khăn.

Năm học trước, trường đã phải chỉ đạo giáo viên in tài liệu, đề thi chuyển đến tận tay cho HS. Cách làm này vô cùng vất vả, nhưng tất cả vì các em, bằng mọi giá dù có phải dừng đến trường chứ không dừng học”, thầy Liêm chia sẻ.

Tại Trường THPT Mường Lát, ngay từ đầu năm học, trường đã phải triển khai học trực tuyến, vì trên địa bàn có một trường hợp là F0. Để không bị gián đoạn chương trình, nhà trường đã phối hợp với các đơn vị sử dụng phần mềm zoom trực tuyến.

“Lúc đầu, giáo viên cũng gặp khó khăn trong việc tương tác với HS. Tuy nhiên, mọi việc sau đó được diễn ra tthuận lợi cho đến khi hết thời gian giãn cách”, Hiệu trưởng Trần Anh Văn cho biết.

Hiện tại, Trường THPT Mường Lát đã triển khai học trực tiếp tất cả ba khối tại trường. Dự kiến thời gian tới, trường sẽ đẩy nhanh tiến độ chương trình nhằm tận dụng “thời gian vàng” không có dịch bệnh.

“Ngoài chương trình học buổi sáng vẫn giữ nguyên, trường sẽ triển khai học thêm buổi chiều theo hình thức tuần học, tuần nghỉ. Đẩy nhanh tiến độ chương trình nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe và khả năng tiếp thu bài của các em”, thầy Văn nói.


Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa.

Thầy Phạm Anh Toàn – Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa cho biết, hiện nay công tác dạy học ở trường vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trường cũng sẵn sàng chuyển trạng thái khi dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp hơn.

Đối với Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, toàn thể cán bộ, giáo viên của trường đã trích một ngày lương để chung tay hỗ trợ. Bên cạnh đó, trường cũng đã lập danh sách HS có hoàn cảnh khó khăn hiện đang thiếu trang thiết bị phục vụ học trực tuyến.

“Gần hai phần ba HS của trường thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở những vùng khó khăn. Nhà trường cũng rất hy vọng, thông qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”, HS của trường sẽ được hỗ trợ về trang thiết bị học tập”, thầy toàn chia sẻ.

Lường Toán
Theo Giáo dục & Thời đại