Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:50
RSS

Tiếp sức học sinh vùng khó Đồng bằng sông Cửu Long học trực tuyến

Thứ sáu, 05/11/2021, 10:04 (GMT+7)

Bước vào năm học mới với nhiều khó khăn, ngành Giáo dục phát động chương trình "Máy tính cho em" cùng chương trình "Sóng và máy tính cho em". Nhà trường, giáo viên đã nỗ lực giúp nhiều HS nghèo yên tâm học tập.

Tiếp sức học sinh vùng khó Đồng bằng sông Cửu Long học trực tuyến

Trao thiết bị học trực tuyến cho HS hoàn cảnh khó khăn Trường THPT Tràm Chim (Đồng Tháp).

Không để HS bị bỏ lại phía sau

Bước vào năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục phải tổ chức dạy, học trong điều kiện dịch covid-19 diễn biến phức tạp. Các địa phương phía Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Khó khăn đặt ra là hàng chục nghìn học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa.   

Đầu năm học mới, tỉnh An Giang có gần 78.000 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến. Trong đó, trên 16.700 học sinh thuộc diện hộ nghèo, khó khăn và gia đình chính sách.

Không để học sinh gặp khó khăn, bị bỏ lại phía sau, địa phương, ngành Giáo dục nỗ lực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, mạnh thường quân. Chỉ trong thời gian ngắn, có hàng nghìn học sinh tỉnh An Giang có thiết bị học trực tuyến. Việc dạy, học của thầy, trò thuận tiện hơn với đường truyền internet, sim 4G cùng các ứng dụng dạy học hiệu quả.

Triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", ngành Giáo dục An Giang đã tiếp nhận tài trợ trên 3,1 tỷ đồng ủng hộ. Trong điều kiện khó khăn, việc tiếp nhận hỗ trợ từ chương trình đã tạo điều kiện để ngành Giáo dục có thêm nguồn lực thực hiện hiệu quả mục tiêu năm học 2021 - 2022 trong điều kiện diễn biến dịch phức tạp.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đây là nguồn hỗ trợ chăm lo giáo dục đặc biệt có ý nghĩa, tạo điều kiện để ngành Giáo dục thực hiện tốt chương trình giảng dạy trực tuyến cho  học sinh trong năm học mới, giúp  học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng dân tộc không phải gián đoạn việc học tập giai đoạn giãn cách xã hội…

Thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, đến sáng 4/11, Sở đã tiếp nhận kinh phí đóng góp chương trình 'Sóng và máy tính" cho em hơn 2,1 tỷ đồng.

Đầu năm học, toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 40.000 học sinh gặp khó khăn về trang thiết bị và không đủ điều kiện để học trực tuyến. 

Thông qua chương trình "Sóng và máy tính cho em", đến nay tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận hàng nghìn hiện vật (điện thoại, máy tính bảng, sim 4G…),  kịp thời bổ sung, trang bị cho trên 15.000 học sinh, học viên có thiết bị học trực tuyến. Tỷ lệ học sinh, học viên có thiết bị học trực tuyến được nâng lên 100% (đối với các trường THPT, cơ sở Giáo dục thường xuyên) và trên 98% (đối với học sinh các trường Tiểu học, THCS).

Tiếp sức học sinh vùng khó Đồng bằng sông Cửu Long học trực tuyến

Ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận ủng hộ Chương trình Sóng và máy tính cho em.

Chung tay vì trò nghèo

Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” và chương trình “Máy tính cho em”, Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang đã trao hàng trăm thiết bị học trực tuyến cùng nhiều phần quà cho học sinh trong tỉnh đang gặp khó khăn. Tỉnh cũng linh động chuyển một số chương trình sang tặng thiết bị điện tử để học sinh học trực tuyến…

Bà Đồng Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang cho biết: Trong đại dịch Covid-19,  học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều. Có em mất đi người thân hay phải điều trị trong khu cách ly, gia đình rơi vào khó khăn do mất công ăn, việc làm… Việc học của các em trong năm học mới bị ảnh hưởng. Thấu hiểu những khó khăn đó, với mong muốn không em nào bị bỏ lại phía sau, chương trình đã tặng những phần quà ý nghĩa, với mong muốn góp phần động viên tinh thần, hỗ trợ các em trong học tập.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hơn 350 nghìn học sinh các cấp phải học trực tuyến từ tháng 9. Toàn tỉnh  có hơn 15 nghìn học sinh  thiếu thiết bị học tập.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết, toàn ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực cho một năm học mới với rất nhiều khó khăn và thách thức. Hy vọng rằng, trên chặng đường sắp tới, ngành

Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân để toàn ngành có thể phấn đấu dạy tốt, học tốt, hoàn thành nhiệm vụ năm học đề ra.

Thông qua chương trình "Sóng và máy tính cho em", ngành Giáo dục Tiền Giang nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân. VNPT Tiền Giang trang bị miễn phí khoảng 6.000 bộ giải mã Set-Top-Box để phục vụ học tập trên truyền hình My Tivi; tặng 5.000 sim 4G miễn phí học tập trực tuyến VNPT Elearning đến hết năm 2021 và thực hiện gói cước ưu đãi cho các học sinh học tập trực tuyến...

MobiFone Tiền Giang có chương trình tặng 10.000 sim 4G (trị giá khoảng 500 triệu đồng) cho học sinh học trực tuyến miễn phí; tặng 350 triệu đồng học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh khó khăn, miễn phí giải pháp Mschool...

Viettel Tiền Giang đã trao tặng 110 suất học bổng, mỗi suất là 1 máy điện thoại Smartphone kèm gói cước 4G miễn phí (trị giá hơn 2 triệu đồng) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 11 xã khó khăn thuộc huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và Thị xã Gò Công…

Qua rà soát, toàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 29 nghìn học sinh không có thiết bị học trực tuyến, trong đó có 1.652 học sinh nghèo, 4.114 học sinh cận nghèo và 110 khu vực nhà trường không có internet. Ngay trong lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân với số tiền hơn 3 tỷ đồng và 1.039 máy tỉnh bảng…

 

Quốc Ngữ
Theo Giáo dục & Thời đại