Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:56
RSS

Thanh Hóa hủy mẫu đơn 'tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ'

Thứ bảy, 16/05/2020, 18:15 (GMT+7)

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị cấp dưới hủy mẫu đơn “tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ”.

Văn phòng UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã có công văn hỏa tốc đến các xã, thị trấn trong đó hủy một phần nội dung công văn gây hiểu nhầm để cấp dưới vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ. Sở Lao động, Thương binh và xã hội cũng yêu cầu các đơn vị hủy mẫu đơn “tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ”.

Cụ thể, ngày 16/5, bà Lê Kim Hằng - chánh văn phòng UBND huyện Tĩnh Gia cho biết, để triển khai thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 42/NQ-CP (ngày 9/4/2020) đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực, ngày 16/4, UBND huyện đã có công văn số 1113/UBND-LĐTBXH về việc tổng hợp, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP.

Tuy nhiên, khi triển khai tại một số đơn vị đã lúng túng, thực hiện chưa đúng nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của UBND huyện trong việc thống kê, rà soát đối tượng dẫn đến hiểu nhầm nội dung trong công văn số 1113 của UBND huyện.

Do vậy, chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung tại mục 2 công văn số 1113 về việc tổng hợp, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền của Chính phủ.

Sở LĐTB&XH Thanh Hóa yêu cầu hủy mẫu đơn 'tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ'
Mẫu đơn đã bị hủy

Về phía huyện Thọ Xuân, lý giải việc có nhiều xã làm sẵn mẫu "Đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ do đại dịch COVID-19" mà không phải là đơn viết tay của người dân, ông Nguyễn Ngọc Thức - phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân - giải thích lúc đầu người dân tự tay viết đơn. Nhưng có người do lâu ngày không cầm bút nên nội dung, nét chữ trong đơn khó đọc, khó hiểu.

Vì vậy các xã đã thảo ra mẫu đơn chung. Khi người dân nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, nếu ai tự nguyện không nhận thì viết họ tên, địa chỉ và ký tên, sau đó lãnh đạo UBND xã ký xác nhận đơn rồi chuyển lên Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện.

Ông Thức nói việc thảo ra mẫu đơn này là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi họ tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ và cũng là tài liệu lưu của UBND xã, Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện để tránh khiếu nại sau này.

Ngày 14/5, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Nếu người dân có ý định tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ thì phải tự tay viết đơn, nếu ai không biết chữ thì có thể nhờ người viết thay, sau đó điểm chỉ vào tờ đơn thay cho chữ ký. Còn mẫu đơn in sẵn do các địa phương tự soạn, tuy tiện lợi và nhanh gọn nhưng cách thức chưa phù hợp với tinh thần tự nguyện của người dân”.

Theo ông Dũng, đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra công tác chi trả tiền hỗ trợ cho người dân ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19 ở các xã Xuân Lập và Xuân Phong (huyện Thọ Xuân).

Hai xã trên có số lượng lớn người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Đoàn công tác không phát hiện việc cán bộ cơ sở vận động người dân không nhận tiền.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN