Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:27
RSS

Thanh Hóa: Hàng chục giáo viên mầm non đi làm không lương

Thứ tư, 23/03/2022, 14:08 (GMT+7)

Gần 3 tháng qua, hàng chục giáo viên mầm non ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) không có lương hàng tháng. Do không có thu nhập, nên cuộc sống của họ bị ảnh hưởng và không yên tâm công tác.

Sự kiện:
Thanh Hóa


Giờ học của trẻ ở Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa).

Gần 3 tháng dạy không lương

Báo GD&TĐ nhận được đơn thư của hàng chục giáo viên bậc học mầm non ở huyện Mường Lát phản ánh về việc không có lương, phụ cấp hàng tháng từ đầu năm đến nay.

Đơn thư nêu: “Chúng tôi là những giáo viên thuộc diện hợp đồng 09/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và hợp đồng 60/2018 (theo QÐ số 60/2011, ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Đến ngày 31/12/2021, toàn bộ giáo viên thuộc diện hợp đồng 09/2015 và hợp đồng 60/2018 bị tạm dừng không còn được hưởng lương và phụ cấp lương theo quy định. Gần 3 tháng qua, chúng tôi không có lương và phụ cấp hàng tháng, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Chúng tôi tha thiết đề nghị cấp tỉnh, cấp huyện có phương án giải quyết tiền lương tháng 1, 2 và 3/2022 sớm nhất trong tháng 3 này, để chúng tôi ổn định yên tâm công tác”.

Tại Trường Mầm non Pù Nhi (Mường Lát), có 9 giáo viên thuộc diện hợp đồng 60 cũng đều chung tình trạng dạy không lương, phụ cấp gần 3 tháng qua.

Cô Tống Thị An - Hiệu trưởng Trường Mầm non Pù Nhi - cho biết, từ tháng 1 đến nay, những giáo viên này không có lương, phụ cấp hàng tháng, do hợp đồng 60 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2021. Trong khi đó, tỉnh và huyện chưa có hướng dẫn cụ thể, nên nhà trường không có kinh phí để chi trả lương, phụ cấp cho các cô.

“Một số cô có hoàn cảnh khó khăn, hoặc là mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, mà không có lương tháng, càng khiến cuộc sống khó khăn gấp bội. Nhà trường cũng chỉ biết động viên các cô cố gắng dạy thật tốt và chờ đợi cấp trên giải quyết tiền lương thôi. Chúng tôi rất mong cấp trên có hướng giải quyết càng sớm càng tốt, để giáo viên thuộc diện hợp đồng 60 có lương tháng, giúp các cô ổn định cuộc sống và yên tâm công tác”, cô An nói.

Cô Ngân Thị Hạnh (Trường Mầm non Pù Nhi) là mẹ đơn thân đang nuôi 2 con nhỏ. Hiện tại, một cháu học lớp 8 và con út đang học lớp 2. Nhà cô Hạnh ở thị trấn Mường Lát, cách trường 8km. Hàng ngày, cô Hạnh vẫn đến trường và làm tốt công việc của mình. Thế nhưng, gần 3 tháng qua không có thu nhập khiến cuộc sống của mẹ con cô gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi rất mong cấp trên sớm giải quyết tình trạng này, để chúng tôi có tiền chi tiêu hàng ngày cũng như mua thuốc men trong lúc ốm đau. Gần 3 tháng không có lương, trong khi đó Giá xăng dầu tăng cao, kéo theo các mặt hàng đều tăng, khiến đời sống của chúng tôi càng khó khăn”, cô Hạnh ngậm ngùi nói.

Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) đang có 9 giáo viên hợp đồng chưa được nhận lương từ tháng 1 đến nay.

Huyện hứa sớm hỗ trợ

Tại Trường Mầm non Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa), hiện có 8 giáo viên thuộc diện hợp đồng theo hợp đồng 60 cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Để giúp những giáo viên này có tiền tiêu Tết và chi phí sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, nhà trường đã linh động trích nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị, hỗ trợ các cô giáo.

Cô Tống Thị Ninh – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhà trường đã trích kinh phí hoạt động thường xuyên, cho 8 giáo viên tạm ứng 1,5 tháng lương. Hiện tại, nhà trường không còn kinh phí, nên đành phải chờ cấp trên hướng dẫn và cấp tiền. Các cô vẫn làm việc bình thường dù chưa được nhận lương, phụ cấp hàng tháng.

“Nhà trường cũng đã báo cáo với Phòng GD&ĐT, Phòng Nội vụ về vấn đề này. Lãnh đạo huyện cũng trả lời là, các cô cứ đi làm và huyện sẽ trả lương trong thời gian chờ đợi tỉnh có chỉ đạo cụ thể”, cô Ninh cho hay.

Ông Lò Văn Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát - cho biết, hiện huyện có 58 giáo viên thuộc diện hợp đồng 60 ở 10 trường mầm non.

“Thời điểm trước Tết Nguyên đán, khi Sở GD&ĐT tổ chức họp, chúng tôi cũng đã đề xuất vấn đề này. Lãnh đạo Sở cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ, Sở Tài chính và Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng giải quyết. Về phía huyện, Phòng GD&ĐT cũng đã đề xuất với Chủ tịch UBND huyện sớm có phương án hỗ trợ lương cho giáo viên thuộc diện hợp đồng nêu trên, để giúp các cô ổn định cuộc sống, yên tâm công tác”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát - cho biết, lãnh đạo huyện cũng đã gặp gỡ các giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng 60 và động viên các cô cứ yên tâm công tác, vì chưa có hướng dẫn cụ thể của UBND tỉnh.

“Trong tháng 3 này, UBND huyện sẽ làm tờ trình Hội đồng Nhân dân huyện về vấn đề này, để có hướng giải quyết. Trước mắt, huyện sẽ trích kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ cho giáo viên, với mức từ 3 triệu đồng trở lên.

Khi nào UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể và Nhà nước cấp kinh phí, huyện sẽ thực hiện chi trả lương, phụ cấp hàng tháng như bình thường. Chúng tôi cũng mong các giáo viên thuộc diện hợp đồng nêu trên chia sẻ với huyện, vì Mường Lát là địa phương đang còn rất nhiều khó khăn”, ông Bình nói.

 

Hồng Đức
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại