Thanh Hóa: Độc đáo phiên chợ choảng nhau để cầu may
Khác với hình ảnh thanh tịnh, nhẹ nhàng khi đi đền chùa miếu mạo cầu may dịp đầu năm, tại chợ Chuộng (có địa chỉ tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, giáp danh với huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa) người dân đến đây cầu may “choảng" nhau chí tử bằng cà chua, táo và trứng thối… Đây là một nét văn hóa truyền thống có từ khi nào cũng không ai hay và cũng là nét đẹp của người dân xứ Thanh nói riêng.
Đến hẹn lại lên, cứ vào đúng mùng 6 Tết (âm lịch), hội chợ Chuộng lại diễn ra ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, bắt đầu từ lúc sáng sớm. Mỗi năm chỉ có một phiên chợ duy nhất để mọi người (nhất là nam, nữ thanh niên) tụ tập để được ném nhau tơi bời cầu may cho một năm mới.
Những tiểu thương buôn bán các loại quả mang đến chợ bán cho người đi chợ, dù đắt hay rẻ họ đều bán cả. Khi bán hết thì họ ra về xem như là một năm buôn bán thành công, còn nếu không bán hết họ dùng số lượng hoa quả đó để “choảng” vào mọi người để cầu may mắn cho năm mới.
Vì vậy, chợ Chuộng còn được biết đến bằng nhiều tên gọi khác như: chợ choảng, chợ ẩu đả, chợ đánh nhau, chợ giải xui, chợ ân oán.
Không chỉ riêng người dân xã Đông Hoàng mà hàng nghìn người dân từ các huyện lân cận như Đông Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa… đều kéo nhau về đây. Từ bao đời nay, người dân đã truyền tai nhau câu nói: “Bỏ con, bỏ cháu, không bỏ mùng 6 chợ Chuộng”.
Điều đặc biệt của người đến chợ Chuộng dù là không quen biết, nhưng hễ gặp nhau là họ… “choảng" nhau bằng cà chua, táo, trứng thối, thấy thích ai là ném túi bụi vào người đó.
Người bị ném co chân chạy nhưng miệng vẫn cười toe toét vì theo quan niệm: “càng bị ném nhiều, năm đó càng gặp nhiều may mắn; năm nào đánh nhau càng to thì năm đó nhân dân trong vùng làm ăn càng phát đạt”.
Những mặt hàng được bày bán ở chợ chủ yếu là những nông sản đặc trưng của vùng và những món ăn dân gian truyền thống như: bánh đa gấc, bánh cuốn, táo, rau các loại… Trong đó, cà chua là một loại hàng hóa đặc biệt được bán rất nhiều để làm… vũ khí ném nhau.
Tục lệ đặc biệt “đánh nhau cầu may” ở chợ Chuộng bắt nguồn từ một tích cũ, rằng: Ngày xưa, có một vị vua trong lần chiến đấu với giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương, tuy nhiên nhà vua này thua trận nên phải rút lui.
Bị bị lũ giặc truy sát ráo riết, nhà vua đành phải lui binh. Khi nhà vua và tốp quân lính ít ỏi còn lại rút đến khu vực xã Đông Hoàng ngày nay, thì lập tức được bá tánh trong vùng ra sức cứu giúp vua thoát nạn.
Vì thế, người dân liền giả vờ tổ chức ngay một phiên chợ để “biến” vua và binh lính thành người dân buôn bán. Khi đó, cả nhà vua và binh lính đều được cải trang thành dân cày, còn vũ khí được cất giấu trong các đống rau quả, lều quán. Sau đó, quân giặc đuổi tới nơi, nhìn phiên chợ do người dân dựng lên cứ tưởng đây là một phiên chợ thật, nên không chút đề phòng.
Lợi dụng lúc giặc mất cảnh giác, vị vua kia phát động cuộc phản công. Cả phiên chợ biến thành cuộc phản công giết giặc oai hùng. Bằng sự đoàn kết, mưu trí và dũng cảm mà quân dân đã đồng lòng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Cảm kích trước sự thông minh, dũng cảm của dân làng, vua đã trọng thưởng hậu hĩnh cho những người dân nơi đây… Kể từ đó, để tưởng nhớ về sự kiện này, năm nào cũng vậy, người dân lại tổ chức phiên chợ Chuộng với phần đánh nhau giả vờ như một nét văn hóa truyền thống.
Chợ Chuộng có vị trí nằm ở một địa thế khá đẹp, là dải đất rộng nhô ra ven sông Hoàng, nơi giáp ranh giữa 3 huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa và Triệu Sơn của tỉnh Thanh Hóa Nơi đây đã được người dân bản địa chọn làm phiên chợ duy nhất trong năm để mọi người đến đây “choảng nhau”.
Để đảm bảo an ninh trật tự, phiên chợ diễn ra có sự ra quân, vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như lực lượng công an xã và huyện nên nhiều hiện tượng “choảng nhau” đã bị hạn chế phần nào.
Tuy nhiên, đến cuối buổi của phiên chợ (tầm 10 giờ đến 10 giờ 30 phút) lại trở nên náo loạn hơn bởi các chàng trai, cô gái mua hoa quả như cà chua, táo… để ném vào người nhau gây nên cảnh hỗn loạn cho phiên chợ.
Đặc biệt, những cô gái có vẻ ngoài ưa nhìn thì những trận “mưa” hoa quả vào người lại càng nhiều, và đó là điều may mắn cho cô gái này trong năm mới. Tại phiên chợ năm nay đã có những cô gái phát khóc vì bị các chàng trai ném nhiều hoa quả, bẩn hết quần áo và bị thương nhẹ.
Theo lời người dân địa phương kể lại, vào thời vua Lê, đúng mùng 6 Tết, có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua đây. Để tránh bị địch phát hiện ra, vị tướng ra lệnh cho quân sĩ cùng dân làng họp chợ.
Khi quân giặc chạy đến, thấy đông người chúng tưởng đây chỉ là một phiên chợ quê bình thường nên mất cảnh giác. Do thấy quân giặc sơ ý, vị tướng liền phát lệnh tấn công, địch bất ngờ không kịp trở tay và bị giết sạch.
Để tưởng nhớ vị tướng đã có công dẹp giặc, cứ vào mùng 6 Tết hàng năm, người dân lại nô nức họp chợ. Tại đây, không chỉ “choảng" nhau, người ta còn ném cà chua vào nhau để lấy may cho một năm mới. Mọi người cũng vì thế mà không hề cáu gắt dù người có bị bẩn, ướt nhưng trong lòng vẫn mang niềm vui, niềm hy vọng cho một năm mới gặp nhiều may mắn.
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại phiên chợ họp một lần duy nhất trong năm: