Thứ sáu, 19/04/2024 | 06:03
RSS

Tháng 12 âm lịch: Ý nghĩa tên gọi “lạ” và những ngày nên nhớ

Thứ tư, 17/01/2018, 12:47 (GMT+7)

Người ta vẫn thường hay gọi Tại sao tháng 12 Âm lịch được gọi là tháng chạp, "tháng củ mật"? Bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Tháng 12 âm lịch và ý nghĩa tên gọi
Ảnh minh họa

Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là tháng Chạp?

Theo thông tin trên Dân Việt, Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho biết, từ Chạp có nguồn gốc từ chữ Lạp trong tiếng Hán.

“Ở Trung Quốc Lạp là lễ tế thần vào dịp cuối năm (tháng 12 Âm lịch) nên còn gọi là Lạp nguyệt. Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc nên trong thời gian này, người Việt thường hay có Giỗ Chạp. Tên gọi tháng Chạp xuất phát từ đây”, Giáo sư Biền nói.

Trong Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt do Nguyễn Tài Cẩn biên soạn, với 2 chữ "Lạp nguyệt" này, người Việt đã đọc chệch từ Lạp thành Chạp.

Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là “tháng của mật”?

“Củ mật” là một từ Hán Việt, trong đó, củ là kiểm, ý nghĩa là kiểm soát; mật là cẩn mật, cẩn thận. Tháng 12 Âm lịch mọi người hay nói “tháng củ mật” là có ý nhắc nhở nhau cẩn thận, bởi vì, đây là tháng giáp Tết, dễ xảy ra trộm cắp. Những kẻ xấu thường lợi dụng những lúc mọi người sơ hở, chủ quan để “cuỗm” những đồ có giá trị.

Ngoài ra, thời tiết cuối năm thường hanh khô, dễ gây hỏa hoạn tiệc tùng nhậu nhẹt nhiều khiến mọi người cảm thấy luôn mệt mỏi...

Tháng 12 âm lịch và ý nghĩa tên gọi2
Ảnh minh họa

Hai ngày nên nhớ trong tháng Chạp

Cúng ông Công ông Táo

Theo quan niệm dân gian Việt Nam từ bao đời nay, cứ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về thiên đình để trình báo mọi việc của gia đình dưới hạ giới xảy ra trong một năm với Ngọc hoàng. Vì thế mà có tục cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời.

Các chuyên gia phong thủy cho biết, tùy theo điều kiện thời gian mà mỗi gia đình có thể chọn ngày, giờ cúng khác nhau. Các gia đình có thể cúng ông Táo trước 1-2 ngày đều được, nhưng tốt nhất nên cúng trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.

Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất có thể tiến hành cúng bắt đầu từ trưa hoặc tối ngày 22 tháng Chạp để ông Táo thảnh thơi về chầu trời.

Ngày tất niên

Lễ tất niên hay tiệc Tất niên là một nghi thức nhằm ghi nhận việc kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới. Tất niên có thể là một bữa tiệc Tất niên, liên hoan cuối năm diễn ra vào ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu).

Đây là ngày các thành viên trong gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Ngoài ra, tùy vào phong tục tập quán ở mỗi vùng, việc cúng tất niên có thể được gia chủ mời thêm bạn bè và người thân đến dự.

Người ta làm cỗ cúng tất niên sau đó dọn tiệc mời khách đến dự. Tất niên là lúc mọi người quây quần bên nhau và bên những món thức ăn và cùng chào đón năm mới.

L.H (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN