Thứ hai, 25/11/2024 | 12:57
RSS

Thái Nguyên: Chính quyền tắc trách, người dân lĩnh hậu quả

Thứ sáu, 15/06/2018, 13:33 (GMT+7)

Sinh sống ổn định, có đầy đủ hồ sơ pháp lý nhưng khi bị chính quyền thu hồi sổ đỏ để điều chỉnh giảm phần diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông, người dân tại TX Phổ Yên lại không được bồi thường.

Thu hồi đất nhưng không bồi thường cho dân

Thời gian qua, tòa soạn chuyên trang Đời sống Plus nhận được đơn thư khiếu nại của nhiều hộ sinh sống dọc tuyến đường QL3 đoạn qua xóm Trại, xã Nam Tiến (Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) phản ánh về việc bị chính quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để điều chỉnh giảm phần diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông thực hiện Dự án lát đá vỉa hè nhưng không được bồi thường.

Thái Nguyên: Chính quyền tắc trách, người dân lĩnh hậu quả8 hộ dân xóm Trại, xã Nam Tiến gửi nhiều đơn thư phản ánh đến cơ quan chức năng và báo chí

Người dân cho biết, nguồn gốc đất là đất ở từ trước 1980, trong quá trình sinh sống, các hộ dân nơi đây thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, sử dụng liên tục, ổn định và không có bất kỳ tranh chấp với tổ chức, cá nhân nào.

Theo Điều 20 Hiến pháp năm 1980, đất người dân là đất hợp pháp, đất ở trước thời điểm Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 203/HĐBT ngày 21/12/1982 về việc Ban hành điều lệ bảo vệ đường bộ và đã được Nhà nước cấp sổ đỏ năm 1995, 1996.

Vừa qua, có 8 hộ dân liên tục nhận được quyết định, thông báo của UBND Thị xã Phổ Yên về việc yêu cầu các hộ gia đình nơi đây phải nộp sổ đỏ để cắt giảm, điều chỉnh số mét vuông đất nằm trong phạm vi an toàn giao thông 13,5m. Tuy nhiên, người dân không được bồi thường.

Ông Huy, một trong 8 hộ dân bị thu hồi đất bức xúc chia sẻ: "Gia đình tôi không nhất trí với lý do chính quyền điều chỉnh giảm 132,4 m2 đất vì đất ở hoàn toàn hợp pháp đã được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư lâu dài".

Thái Nguyên: Chính quyền tắc trách, người dân lĩnh hậu quả 1Sáng ngày 17/5, cơ quan chức năng TX.Phổ Yên tiến hành giải phòng mặt bằng 8 hộ dân xóm Trại trên Quốc lộ 3

Cũng tương tự, hộ bà Nguyễn Thị Thủy được UBND Thị xã Phổ Yên ra thông báo số 83/TB-UBND ngày 17/4/2018, Quyết định số 1920/QĐ-UBND ngày 23/4/2018 và Quyết định số 2435/QĐ-UBND ngày 16/5/2018 giảm 91,4 m2 đất để điều chỉnh phần diện tích đã cấp trong hành lang an toàn giao thông.

“Đất ở của tôi đã được pháp luật thừa nhận vì vậy khi Nhà nước muốn lấy đất của tôi để làm hàng lang an toàn giao thông thì phải bồi thường toàn bộ diện tích đất thu hồi theo quy định của pháp luật về luật đất đai cho gia đình tôi”, bà Thủy chia sẻ.

Những hộ dân nơi đây cho biết, việc Nhà nước thu hồi đất của nhân dân làm hành lang an toàn giao thông là chủ trương đúng, các hộ gia đình hoàn toàn nhất trí và nghiêm chỉnh chấp hành nhưng đề nghị Nhà nước phải bồi thường đất theo quy định của pháp luật.

Chính quyền sở tại nói gì?

Để có thông tin khách quan tới bạn đọc, PV Đời sống Plus đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Diễn - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường Thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên).

Ông Diễn cho biết: “Dự án Quốc lộ 3 cũng đã triển khai rất từ lâu rồi, ngày xưa chỉ có 7m năm 2013 mới mở rộng để lát đá vỉa hè. Vừa rồi triển khai lát đá vỉa hè, có 430 hộ dân đều đồng thuận riêng chỉ có 8 hộ dân không đồng thuận vì mắc vấn đề bồi thường”.

Thái Nguyên: Chính quyền tắc trách, người dân lĩnh hậu quả 2Người dân bức xúc vì điều chỉnh giảm phần diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông nhưng không được bồi thường

“Xét về quy định pháp luật thì không được bồi thường căn cứ theo Nghị định 203-HĐBT ban hành ngày 21/12/1982 về Điều lệ bảo vệ đường bộ đối với đường Quốc lộ dài 20m. Theo Quyết định 06-CT ngày 03/01/1990, quy định các địa phương phải giải tỏa hành lang theo đúng Nghị định số 203-HĐBT ngày 21/12/1982, thì Phổ Yên ban hành Quyết định 94/QĐ-UB ngày 09/05/1991 thành lập Ban chỉ đạo khi đó là huyện Phổ Yên bây giờ là TX.Phổ Yên về việc giải tỏa hành lang giao thông.

Ngày 4/11/1993, thông báo 407 được ban hành yêu cầu các địa phương giải tỏa triệt để giải tỏa hành lang đường giao thông theo đúng tinh thần Chỉ thị 06 và Quyết định 94/QĐ-UB, chặt hạ cây cối và tháo dỡ lều quán trong phạm vi hành lang 13,5m.

Trong vấn đề cấp giấy chứng nhận, năm 1990 Huyện Phổ Yên thực hiện vấn đề đo đạc bản đồ địa chính toàn bộ đất trên địa bàn, năm 1992 hoàn thành bản đồ địa chính đo, ghi hết tất cả thửa đất từng hộ dân theo đúng hiện trạng sử dụng.

Khi Luật đất đai năm 1993 được thông qua, người dân kê khai theo bản đồ địa chính đo đến đâu cấp đến đấy. Về triển khai ở xã, ở huyện thì lúc đó không có quy trình gì cả, người dân đến xã mang bản đồ ra rồi được huyện cấp sổ đỏ trong đó có cả hành lang giao thông đó và không thu tiền bất kỳ ai”, ông Diễn giải thích.

Thái Nguyên: Chính quyền tắc trách, người dân lĩnh hậu quả 3Người dân có sổ đỏ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, sử dụng liên tục, ổn định và không có bất kỳ tranh chấp với tổ chức, cá nhân nào 

Trước câu hỏi của PV về việc tại sao chính quyền một mặt thì triển khai việc giải toả, mặt khác lại vẫn cấp sổ đỏ cho dân, ông Diễn phân trần: “Thời điểm đó giao cho xã, xóm thống kê vì Luật đất đai được thông qua nên chúng tôi cho triển khai đồng loạt, đưa bản đồ địa chính về xã, xóm kê khai như nào thì huyện cấp như vậy, không xét trừ hành lang đi”!?

Như vậy có thể thấy, việc cấp sổ đỏ bao gồm cả phần đất nằm trong hành lang an toàn giao thông cho các hộ dân tại TX. Phổ Yên là việc làm tắc tránh của các cơ quan ban ngành cấp xã, huyện. Vì sao đến giờ người dân phải gánh chịu hậu quả? Đó là câu hỏi, đồng thời là nỗi bức xúc của người dân xin được gửi tới các cấp lãnh đạo địa phương.

Đề nghị các cơ quan ban ngành UBND tỉnh Thái Nguyên sớm vào cuộc làm rõ, xử lý sai phạm (nếu có).

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Vũ Thành
Theo Đời sống Plus/GĐVN