Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:06
RSS

Thái Bình: Có 80 người tham gia 'Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ'

Thứ tư, 09/05/2018, 14:48 (GMT+7)

Công an tỉnh Thái Bình mới đây vừa phát đi thông báo thống kê cho thấy có tới 80 người tham gia vào 'Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ'.

Thái Bình: 80 người tham gia Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ
Hoạt động truyền đạo trái phép nhóm đối tượng tại thôn Trấn Tây, xã Vũ Chính (TP. Thái Bình). Ảnh: Bùi Thành/Gia đình & xã hội

Theo công an tỉnh Thái Bình, trước những hoạt động truyền đạo trái phép của “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” nhằm lôi kéo người dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình tham gia, công an tỉnh này đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phát hiện, ngăn chặn, răn đe các đối tượng cầm đầu tích cực.

Theo đó, qua rà soát trên địa bàn, công an tỉnh Thái Bình phát hiện một điểm nhóm và trên 80 người theo tổ chức này. Trong đó thành phố Thái Bình có 25 người, huyện Đông Hưng 24 người, huyện Quỳnh Phụ 12 người, huyện Hưng Hà 7 người… cùng một số người khác cũng bị lôi kéo theo tổ chức này.

Những tín đồ của “Hội thánh Đức của chúa trời Mẹ” thường xuyên tụ tập sinh hoạt, tuyên truyền, phát triển đạo trái phép, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương, theo báo Dân việt. 

Công an tỉnh Thái Bình nêu rõ, điển hình là hoạt động của nhóm tư gia của bà Dương Thị Tuyến (Sinh năm 1969, Trấn Tây, xã Vũ Chính, TP.Thái Bình).

Nhóm này thường xuyên tụ tập sinh hoạt vào thứ 3, thứ 7 hàng tuần. Do bị lực lượng công an và chính quyền địa phương đấu tranh, xử lý, bà Tuyến thay đổi phương thức hoạt động chia thành các nhóm nhỏ, luân phiên sinh hoạt từ 2 đến 3 giờ một lần vào các ngày thứ 7, chủ nhật.

Năm 2017, Tuyến và các đối tượng trong nhóm tập trung tuyên truyền lôi kéo sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố, hiện có hơn 10 sinh viên và khoảng 35 người cả trong và ngoài tỉnh Thái Bình tham gia.

Đến thời điểm hiện tại, công an tỉnh Thái Bình đã lập biên bản, giải tán trên 20 vụ, trục xuất trên 100 lượt người ngoài tỉnh (Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hà Nam, Thanh Hóa ..) tụ tập, sinh hoạt, tuyên truyền "Hội thánh của Đức chúa trời" tại Thái Bình; gọi hỏi, răn đe các đối tượng cầm đầu, tích cực vận động 11/12 chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê nhà với các đối tượng, cùng các gia đình có người thân tham gia tuyên truyền, vận động để họ từ bỏ.

Ngày 8/5, Ban Tôn giáo Chính phủ đã thông tin một số vấn đề liên quan đến Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ vốn thu hút dư luận trong thời gian qua. Ngoài việc nêu ra những đặc điểm nhận dạng, Ban Tôn giáo Chính phủ còn phê phán những việc làm chưa đúng, cực đoan của các hội nhóm liên quan đến hội thánh này, pháp luật TP. HCM đưa tin. 

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đưa ra các đặc điểm nhận diện Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ, bao gồm: 1. Nữ trùm khăn ren trắng; 2. Không sử dụng thánh giá; 3. Duy trì sinh hoạt tôn giáo vào ngày thứ Bảy (bắt buộc); 4. Tin có Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời đã hiện thân vào đấng Ahn Sahng Hong; 5. Tin có Đức Chúa Trời Mẹ và hiện thân là bà Jang Gil-ja (còn sống, là giáo chủ tại Tổng hội Hàn Quốc).

Đặc biệt, đặc điểm thứ sáu là khi cầu nguyện, những người theo đạo này cầu khẩn với đấng Ahn Sahng Hong hoặc Đức Chúa Trời Cha Mẹ, hoặc Cha, Mẹ; 7. Nơi sinh hoạt tôn giáo gọi là Si-on. Trong Si-on thường treo ảnh ông Ahn Sahng Hong và bà Jang Gil-ja; không công nhận lễ Giáng sinh.

8. Ngoài lễ Sabat diễn ra vào thứ Bảy hằng tuần, trong năm có bảy lễ gồm lễ Vượt qua, lễ Bánh không men, lễ Phục sinh, lễ Ngũ tuần, lễ Kèn thổi, lễ Chuộc tội và lễ Lều tạm; 9. Bảy lễ này được chia làm ba, gồm thời kỳ của Đức Chúa Cha: hai lễ đầu + lễ Sabat; thời kỳ của Đức Chúa Giê-su: hai lễ tiếp theo; thời kỳ của Đức Thánh linh: ba lễ sau cùng. Tên của các lễ được trích dẫn từ Kinh thánh, trong đó một số lễ giống Tin Lành như lễ Phục sinh, lễ Ngũ tuần, lễ Bánh không men chính là lễ tiệc thánh; 

10. Là đặc điểm về lễ vật: Để tượng trưng cho máu và thịt (mình) Chúa, họ dùng nước ép nho (có màu đỏ) và bột mì để làm bánh không men (nước ép nho và bột mì mua trên thị trường tự do).

Ở phía Bắc, hoạt động của tổ chức này manh nha từ năm 2013 và rộ lên vào năm 2016 trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Hà Nội do một số cá nhân tuyên truyền và chưa điểm nhóm nào được cấp đăng ký cho đến nay.

Ngay sau khi phát hiện có hoạt động và ảnh hưởng tiêu cực, trong năm 2016 Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản trao đổi với các cơ quan, đơn vị chức năng để nhận diện và thống nhất chủ trương công tác; trên cơ sở đó ra văn bản hướng dẫn các tỉnh phía Bắc. 

Đó là cách ngăn chặn và xử lý theo pháp luật đối với hành vi truyền đạo không đúng pháp luật; do gây ra nhiều bất bình trong cộng đồng nên không cho hình thành điểm nhóm, không chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung và tuyên truyền phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, cảnh giác trong quần chúng nhân dân.


Xem thêm: 'Hội Thánh Đức Chúa Trời' ép đóng tiền, khuyến khích phá thai​

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN