Từ tờ mờ sáng khách đã đến họp chợ rất đông, có những người ở nơi xa đã chuẩn bị hàng hóa của mình thật chu đáo rồi mang đến chợ từ chiều hoặc đêm hôm trước.
Vốn là phiên chợ quê nhưng ở đây vẫn có đủ các loại hàng hóa và phong phú nhất vẫn là mặt hàng nông sản, những sản vật do người nông dân ở nhiều miền quê khác nhau một nắng hai sương làm ra như các loại rau, quả, gạo, nếp của vùng đồng bằng Cam Thanh, Cam Thủy, đến chè xanh, hồ tiêu của xứ Cùa đất đỏ hay những mặt hàng đan lát từ các làng nghề truyền thống. Cũng có nhiều mặt hàng được đưa về từ Hướng Hóa, Đakrông, hay từ tận Quảng Bình vào, Huế ra…
Chợ phiên Cam Lộ còn là nơi để người dân thăm thú chợ búa, ngắm kẻ bán người buôn, gặp gỡ bạn bè, trao đổi việc làm ăn, giá cả với nhau, tìm hiểu nét đẹp văn hóa của một phiên chợ quê. Cũng chính vì thế mà nhiều người còn ngẫu hứng đặt vè, hát đối đáp với nhau làm cho không gian văn hóa ở chợ thêm phong phú.
Chợ phiên Cam Lộ nằm ở huyện lỵ Cam Lộ (nay là huyện Cam Lộ), sát bên bờ sông Hiếu, từ Cửa Việt lên đây chỉ hơn 10km. Chợ phiên cũng nằm trên trục Đường 9, từ đây lên Lao Bảo - cửa khẩu biên giới Việt-Lào chỉ hơn 70km. Với vị trí thuận lợi, chợ phiên Cam Lộ đã ra đời rất sớm, ngay từ thế kỷ 16 đã trở thành một trung tâm giao thương sầm uất ở xứ Đàng Trong, chỉ sau Hội An
Ngôi chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên (mùng 3, 8, 13, 18, 23, 28 Âm lịch)
Các mặt hàng ở đây rất phong phú: từ vàng, bạc đến mắm, muối, dưa, cà.... tất cả được trưng bày rất đẹp. Hàng Cau, hàng Trầu, hàng Nếp cho đến hàng Khoai... mỗi hàng có một góc riêng
Nếu như người dân Bắc tự hào bởi câu ca “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa” hoặc “Thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến”, thì người dân Cam Lộ cũng có lời nhắn nhủ thiết tha với mọi người “Muốn mua vui, đến chợ Phiên Cam Lộ”
Trời cuối năm, mưa phùn nhè nhẹ kèm gió, các cụ già, người bán hàng phải mặc áo mưa nhưng gương mặt rạng rỡ, vui vẻ
Những buồng cau, trái cây to, tròn được người dân chọn, lựa trả giá
Chợ phiên Cam Lộ, từng là ngôi chợ sầm uất nhất Bắc Trung Bộ vào thế kỷ 17,18. Chuối-một đặc sản của Quảng Trị, ngày tết nhà nào cũng đặt cúng nải chuối trên bàn thờ ông bà nên có tết một nải chuối cả trăm ngàn đồng
Chợ phiên là nơi tụ của người dân khắp nơi, người dân tộc thiểu số ở Đakrong, Hướng Hóa, Tà Ôi; họ ở trần, đóng khố, trên vai đeo gùi, bán lâm sản đủ loại: quế, sa nhân, ớt “mọi”, thuốc lá “nguồn”