Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:33
RSS

Tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách điều trị

Thứ hai, 23/11/2020, 14:57 (GMT+7)

Dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là tình trạng đầu của trẻ nhỏ hơn đáng kể so với trẻ cùng độ tuổi và cùng giới tính. Trẻ mắc bệnh thường gặp các vấn đề như nghe kém, ăn uống khó, chậm phát triển...

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là tình trạng đầu của trẻ nhỏ hơn đáng kể so với trẻ cùng độ tuổi và cùng giới tính. Mức độ mắc chứng đầu nhỏ có thể từ nhẹ đến nặng và có thể xuất hiện ngay khi trẻ sinh ra (bẩm sinh) hoặc sau này trong quá trình phát triển.

Tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Nguyên nhân gây tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh mắc dị tật đầu nhỏ. Bệnh có thể do thừa hưởng từ cha mẹ, các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down có thể dẫn đến đầu nhỏ. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với các tác nhân nhiễm trùng trong thai kì như Cytomegalovirus (CMV), Rubella, HIV, Toxoplasmosis, Herpes, giang mai và Zika…cũng có thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh này.

Không những thế, việc thai phụ sử dụng cồn, một số loại thuốc, hoặc hút thuốc lá trong thai kỳ cũng như thiếu hụt dinh dưỡng nặng làm tăng nguy cơ đầu nhỏ cho thai. Tương tự như vậy nếu thai phụ tiếp xúc với phóng xạ Ion hóa hay kim loại nặng như thủy ngân, arsen... Ngoài ra, các tổn thương trong quá trình phát triển não bộ của thai hoặc trẻ sơ sinh cũng có thể gây ra đầu nhỏ.

Tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Triệu chứng nhận biết tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

- Các vấn đề về cân bằng và phối hợp

- Chậm phát triển (trì hoãn ngồi, đứng, đi)

- Gặp khó khăn về nuốt và ăn uống.

- Nghe kém

- Hiếu động thái quá (kém chú ý hoặc không ngồi yên được)

- Co giật

- Chiều cao thấp

- Các vấn đề về ngôn ngữ

- Các vấn đề về thị giác

Các triệu chứng này có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ cho đến nghiêm trọng và thường kéo dài cả đời.

Tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân và phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

Chứng đầu nhỏ kéo dài cả đời và tới nay chưa có phương thức chữa trị dứt điểm hay điều trị tiêu chuẩn cho chứng đầu nhỏ. Trẻ mắc chứng đầu nhỏ ở mức độ nhẹ thường không gặp bất kỳ vấn đề nào trừ việc có kích thước đầu nhỏ, tuy vẫn cần được theo dõi kiểm tra thường xuyên. Trẻ mắc chứng đầu nhỏ nghiêm trọng sẽ cần được chăm sóc và điều trị, trọng tâm là các vấn đề y tế khác đi kèm như đã liệt kê ở trên.

Việc can thiệp, trị liệu sớm sẽ giúp trẻ mắc chứng đầu nhỏ, giống như trẻ mắc nhiều dị tật khác, cải thiện và phát huy tối đa khả năng thể chất và trí tuệ của trẻ. Trẻ có thể cần trị liệu ngôn ngữ, cơ năng, vật lý trị liệu - vận động và có thể cần được điều trị bằng thuốc để chống co giật và một số triệu chứng khác.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN