Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:43
RSS

Tâm sự của một du học sinh tại Mỹ giữa đại dịch Covid-19: Về hay ở?

Thứ hai, 16/03/2020, 11:33 (GMT+7)

Quyết định đi máy bay từ Mỹ về Việt Nam giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát như hiện tại là một quyết định rất liều lĩnh và có phần nguy hiểm. Chưa bao giờ những sinh viên như chúng tôi hình dung việc mua tấm vé máy bay một chiều về nước lại gấp gáp như vậy.

Tâm sự của một du học sinh tại Mỹ giữa đại dịch Covid-19: Về hay ở
Sinh viên Đại học Harvard (bang Massachusetts) được thông báo là không nên quay lại trường sau kỳ nghỉ xuân. Ảnh: REUTERS

Hai tháng trước còn chưa biết “virus Vũ Hán” là gì?

Khi viết bài này, tôi vừa mua vé máy bay về Việt Nam tròn 24 giờ trước. Đây dường như là tuần lễ dài nhất kể từ khi tôi sang Mỹ học cách đây 3 năm, bởi chỉ trong vòng vài ngày, cuộc sống của đã có quá nhiều thay đổi, biến động do virus Covid-19.

Nhiều bạn bè tôi, những sinh viên VN đang sinh sống và học tập tại nhiều quốc gia không nằm ngoài đại dịch Covid-19 cũng đang hoang mang, lo lắng trước những  lựa chọn, ở hay về?

Suốt hai tháng đầu năm 2020, tôi và những sinh viên VN trong trường vẫn luôn theo dõi thông tin về dịch bệnh tại Việt Nam và các nước châu Á. Mọi chuyện dường như vẫn còn quá mới, quá xa lạ, bởi lẽ chỉ vài tháng trước thôi khi còn ở nhà dịp năm mới dương lịch, chưa ai từng nghe thấy “virus Vũ Hán” là virus gì. Ấy vậy mà chỉ vài tháng sau, nó đã lan ra khắp thế giới được WHO công nhận là đại dịch. Và nước Mỹ không là một ngoại lệ.

Đến đầu tháng 3, những vùng dịch đỉnh điểm của Mỹ là những bang Washington, bang California, hay New York. Cho đến tuần đầu tiên của tháng 3, bang Ohio nơi tôi theo học chưa có bệnh nhân nào dương tính với Covid-19. Vậy nhưng, tôi và các bạn người Việt tại trường đã nhen nhóm một nỗi sợ hãi, lo lắng khi tháng 3 vừa sang.

Như mọi năm, trường cho  sinh viên chúng tôi nghỉ Xuân từ 9/3 đến hết ngày 15/3. Thường, tuần lễ nghỉ Xuân là dịp để sinh viên đi du lịch nghỉ ngơi, và cũng để tạo điều kiện cho trường tổ chức các đoàn sinh viên trao đổi trong một tuần đến các vùng miền khác nhau trong nước Mỹ cũng như trên thế giới.

Năm nay, trường cũng có những đoàn trao đổi đi các nước châu Âu như London (Anh) và Prague (Czechs). Vậy nhưng giữa thời điểm châu Âu rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng” vì dịch bệnh như hiện nay, đây chẳng khác nào một cơ hội để mang bệnh dịch từ châu Âu về đến ngôi trường với hơn 12,000 học sinh như trường tôi. Nhà trường đã không hủy các chuyến đi, và những học sinh đã đăng kí đi thì dường như cũng chẳng mảy may bận tâm lắm việc họ chuẩn bị đi đến vùng “nóng” dịch bệnh của thế giới.

Tôi và các bạn người Việt ở trường đã rất lo lắng, căng thẳng, bởi nỗi lo lắng sợ bị nhiễm bệnh khi đi học trở lại sau một tuần nghỉ Xuân, thời điểm mà các bạn cùng lớp trở về từ các nước châu Âu hay New York, Florida.

Vậy nhưng, khi kì nghỉ Xuân còn chưa kịp bắt đầu, thì ngay trong ngày mùng 9/3, ở Ohio đã có 3 người đầu tiên xét nghiệm dương tính với Covid-19. Thống đốc bang ngay lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp và đã nhận rất nhiều các ý kiến trái chiều về quyết định này. Bên cạnh những người ủng hộ nỗ lực hành động đúng đắn, kịp thời của thống đốc, thì cũng có rất nhiều người cho rằng tình huống đang bị thổi phồng lên, và điều ông làm là “kích động nỗi lo sợ”, khi mà “chỉ có 0,00000025% dân số ở Ohio bị nhiễm virus Vũ Hán” như lời một số người dân bình luận ngay dưới bài đăng của Thống đốc trên trang mạng Twitter.

Vậy nhưng, rất may mắn là trường tôi đã hành động gần như ngay lập tức. Ngay hôm sau, toàn bộ sinh viên nhận được email thông báo kì nghỉ Xuân sẽ được kéo dài thêm 1 tuần để trường có thời gian quyết định thay đổi phương pháp dạy học khác để phần lớn sinh viên sẽ không phải đến trường. Hai ngày sau, một email khác thông báo rằng phần còn lại của kì mùa Xuân sẽ được giảng dạy online để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đương nhiên, trường cũng không thoát khỏi “số phận” bị một bộ phận các sinh viên than phiền về quyết định này.

Về VN giữa đại dịch: Quyết định liều lĩnh?

Ngay lập tức tối hôm ấy, tôi và một số người bạn khác đã đặt vé máy bay để quay về Việt Nam, chuyến bay sẽ cất cánh chỉ 4 ngày sau. Đây tưởng như là một quyết định vội vàng, vậy nhưng, chúng tôi đã có nhiều ngày cân nhắc suốt khoảng thời gian dài đằng đẵng từ khi Thống đốc bang ban bố tình trạng khẩn cấp cho đến khi trường thông báo các lớp sẽ được dạy và học online để sinh viên có thể theo học tại nhà.

Nói là dài đằng đẵng nhưng cũng chỉ có 5 ngày, 5 ngày với quá nhiều biến động và thay đổi. Ý phong tỏa toàn bộ đất nước, du học sinh châu Âu lũ lượt mua vé quay về Việt Nam, du học sinh Mỹ cũng từng người, từng người “bỏ chạy” về nước. Bang Ohio nơi tôi theo học từ không có bệnh nhân Covid-19 nào, bỗng chốc tăng lên gần chục người, toàn bang được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Ohio Health Department ước tính rằng có khoảng 100,000 người tại Ohio có khả năng đang nhiễm virus Covid-19 nhưng không hay biết. Rất nhiều gian hàng trong siêu thị như gian bánh mì, đồ khô, gia vị, giấy vệ sinh, hay nước rửa tay khô, găng tay, khẩu trang đều đã “cháy hàng” tại các cơ sở của hệ thống siêu thị Walmart lớn nhất nước Mỹ, cũng như tại rất nhiều các siêu thị khác ngay sau khi Thống đốc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn bang.

Quyết định đi máy bay từ Mỹ về Việt Nam giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện tại là một quyết định rất liều lĩnh và có phần nguy hiểm, vậy nhưng cân nhắc các yếu tố thiệt, hơn đối với mỗi người, chúng tôi vẫn quyết định quay về Việt Nam. Sau nhiều giờ phân tích, chọn lựa từng chiếc vé máy bay để cố hết sức không phải đi qua các vùng “nóng” dịch bệnh. Chưa bao giờ những sinh viên như chúng tôi lại hình dung việc mua tấm vé máy bay một chiều về nước một cách gấp gáp như vậy, mà không biết ngày quay lại là bao giờ, đặc biệt là khi kì học còn chưa kết thúc.

Thanh Phương
Theo Dân Việt