Tìm hiểu các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng
Ung thư đại - trực tràng có tỷ lệ tử vong đứng thứ ba sau ung thư phổi và ung thư dạ dày ở nam, sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở nữ. Bệnh diễn biến phức tạp và nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư có thể lây lan sang những bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là gan và phổi, khi đó khả năng điều trị không còn, thời gian duy trì sự sống của bệnh nhân cũng giảm đi rất nhiều. Vậy tầm soát ung thư đại – trực tràng như thế nào là đúng?
Nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh là những người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt là từ sau 50 tuổi, người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư đại trực tràng, có polyp trong đại trực tràng, người mắc bệnh viêm ruột mạn tính và người ít vận động hoặc béo phì... Do vậy, có thể phòng ngừa bệnh ung thư đại trực tràng bằng cách thường xuyên thăm khám để phát hiện sớm các polyp từ lúc chưa phát triển thành ung thư và tiến hành cắt bỏ bằng nội soi.
Ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Để có thể phát hiện ở giai đoạn sớm phải chủ động đi tầm soát ngay cả khi không có triệu chứng. Kể cả trong trường hợp bệnh đã phát triển thành ung thư thì vẫn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Đây là xét nghiệm rẻ tiền, đơn giản, có độ nhạy phát hiện các khối ung thư 70-80%. Phương pháp này được khuyến cáo thực hiện hàng năm nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh.
Xét nghiệm này dùng để xác định có hay không máu ẩn trong phân mà mắt thường không nhìn thấy, nhưng không thể khẳng định ngay là có ung thư không. Bởi lẽ có nhiều nguyên nhân dẫn đến máu trong phân như viêm loét đường tiêu hóa, trĩ, polyp đại tràng và ung thư đại trực tràng…
Đối với những mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính, bệnh nhân sẽ được thông báo để đến gặp bác sĩ làm các bước chẩn đoán tiếp theo để xác định nguyên nhân gây chảy máu. Nếu việc chảy máu do có polyp và ung thư đại trực tràng, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn điều trị kịp thời để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.
Xét nghiệm máu ẩn trong phân để tìm nguy cơ ung thư đại trực tràng
Đây là phương pháp chính xác nhất, nhưng việc thực hiện khá phức tạp. Bệnh nhân phải được xổ ruột, nhịn ăn vì nội soi có thể gây đau nên thường cần tiền mê. Qua nội soi đại tràng nếu phát hiện polyp, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ các khối polyp trong lúc soi.
Bệnh nhân phải được xổ ruột và chụp CT, sau đó máy điện toán dựng hình lại lòng đại tràng. Nội soi đại tràng ảo có thể phát hiện phần lớn các khối polyp trong lòng đại tràng. Sau khi nội soi đại tràng ảo phát hiện ra polyp thì phải nội soi đại tràng (thật) để cắt polyp.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, bác sĩ đưa ra một khuyến cáo lựa chọn phương pháp tầm soát, tuổi bắt đầu, khoảng thời gian lặp lại cho người có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng.
Nội soi đại trực tràng giúp phát hiện và xử lý sớm các polyp gây ung thư. Ảnh BVĐK Phú Thọ
Người không có triệu chứng trên 40-50 tuổi hoặc tiền sử gia đình bị ung thư không thuộc huyết thống bậc một (cha mẹ, anh chị em ruột): xét nghiệm máu ẩn trong phân hàng năm, nội soi đại tràng mỗi 10 năm, nội soi đại tràng ảo mỗi 5 năm.
Cần lưu ý là để kết quả nội soi đại tràng có giá trị đến 10 năm như khuyến cáo thì việc nội soi phải được thực hiện rất chu đáo, đại tràng phải được rửa sạch phân, quan sát thật tỉ mỉ để không bỏ sót các polyp nhỏ.