Nỗi đau của người thân sau vụ tai nạn ở Quảng Nam khiến 13 người chết. Ảnh Thanh niên
Liên quan đến vụ tai nạn ở Quảng Nam, theo tin tức mới nhất, lúc 13h chiều 2/8, linh cữu của bà Ngô Thị Bê (59 tuổi, mẹ anh Long), chú rể Nguyễn Khắc Long (28 tuổi) và cháu Nguyễn Thư Kỳ (8 tuổi, cháu nội bà Bê) rời xa ngôi nhà của mình để đến nơi yên giấc ngàn thu với sự tiễn đưa của hàng trăm thanh niên và bà con làng Lương Điền, xã Hải Sơn, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Buổi đưa tang dưới tiết trời nắng cháy với nhiệt độ 41 độ C. Trước đó, buổi sáng cùng ngày, 4 nạn nhân khác là bà Nguyễn Thị Tiến (55 tuổi), ông Võ Sỹ Tiến (50 tuổi), anh Đặng Xuân Phóng (43 tuổi) và anh Nguyễn Khắc Bình (44 tuổi) cũng đã được đưa về nơi yên nghỉ.
Cả 11 người đã khuất trong vụ thảm nạn trên đường đi đón dâu cùng chú rể Nguyễn Khắc Long đều được an táng tại cồn Lại Cẩu, khu nghĩa địa phía Tây làng Lương Điền.
Ông Nguyễn Hữu Phú, Trưởng thôn cho biết trên Vietnamnet, toàn thôn có hơn 450 hộ dân nhưng những ngày qua, dường như đông hơn gấp bội.
“Từ hôm gia đình bà Bê (mẹ chú rể Long) và nhiều người trong làng tử nạn trên đường rước dâu, mọi công việc trong thôn đều được gác lại. Người dân chủ động dừng việc đồng áng để cùng chính quyền chung tay giúp đỡ cho các gia đình gặp nạn”, ông Phú chia sẻ.
Cũng theo ông Phú, ngay sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, thôn đã họp để phân công nhiệm vụ cho các đội trong làng. Mỗi đội có người phụ trách, chỉ đạo các công tác chuẩn bị, đi mua quan tài và đưa tang.
“Nói là phân công theo đội nhưng bản thân mỗi người đều có trách nhiệm với gia đình các nạn nhân. Bởi trước khi tử vong, chúng tôi là hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn với nhau. Chưa bao giờ làng quê nghèo Lương Điền chịu cảnh đau đớn, mất mát lớn như thế này”, ông Phú vừa chia sẻ với PV.
Nhiều người đi làm ăn xa, bỏ công việc thường ngày để chia sẻ nỗi đau cùng gia đình nạn nhân. Ảnh VIetnamnet
Có mặt tại buổi đưa tang nhà chú rể Nguyễn Khắc Long, anh Nguyễn Ngọc Đại (một người dân trong thôn) cho biết, bản thân anh không phải là họ hàng thân thuộc với các gia đình gặp nạn.
“Chúng tôi đến đây với trách nhiệm và tình cảm của những người hàng xóm, láng giềng với gia đình các nạn nhân. Ngay trong sáng xảy ra vụ việc, tôi quyết định xin nghỉ tạm công việc đang làm ở TP Đông Hà để ở lại quê nhà, cùng với bà con trong thôn lo đám tang cho các gia đình gặp nạn”, anh Đại cho biết.
Theo chia sẻ của anh Đại, Lương Điền là một thôn nghèo của xã Hải Sơn, có rất đông người dân sang Lào, Campuchia để làm việc. “Ngay khi nghe tin thôn gặp đại tang, nhiều người bỏ ngang công việc bên kia để trở về quê, giúp đỡ gia đình các nạn nhân. Chưa bao giờ làng tôi đông người như mấy ngày hôm nay”, anh Đại nói.
Bà Nguyễn Thị Tâm (trú thôn Mỹ Chánh) nghẹn ngào nói. “Nghĩa tử là nghĩa tận. Những ngày qua, khi nghe tin người trong thôn tử nạn trên đường đi rước dâu, chúng tôi chân tay rụng rời. Đau xót quá”.
Chủ tịch UBND xã Hải Sơn Lê Văn Huân cho biết, mấy ngày qua thực sự là những ngày đau thương nhất của thôn Lương Điền nói riêng, xã Hải Sơn nói chung.
"Thôn Lương Điền chỉ có 1 xe tang, chúng tôi huy động thêm xe từ những thôn lân cận. Việc phân công, luân chuyển các âm công (những người gánh, đưa quan tài) cũng được bố trí hợp lí. Tuy nhiên, do điều kiện nhân lực, có những người mới gánh đám ngày qua thì hôm nay lại phải tiếp tục nhận nhiệm vụ", ông Huân chia sẻ.
Xem thêm: 13 xe cứu thương chở thi thể các nạn nhân vụ tai nạn xe rước dâu về quê nhà