Thứ hai, 25/11/2024 | 05:06
RSS

Tắc ruột, nguy cơ tử vong chỉ vì ăn những loại quả quen thuộc này

Thứ sáu, 12/10/2018, 11:40 (GMT+7)

Không ít bệnh nhân sau khi ăn hồng, ổi hay măng khô có biểu hiện đau bụng, nôn, bụng chướng sờ thấy khối cứng trong ổ bụng, nghi ngờ có u. Khi đến viện, nội soi phát hiện bị khối bã thức ăn “to đùng” trong ruột.

Tắc ruột, nguy cơ tử vong chỉ vì ăn những loại quả quen thuộc này
Thăm khám cho bệnh nhân S sau khi bác sĩ Bệnh viện E phẫu thuật lấy khối bã thức ăn do hồng ngâm (ảnh do bệnh viện cung cấp)

Bụng chướng nghi ngờ có u vì ăn liên tục hồng ngâm

Các bác sĩ Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh vừa phẫu thuật thành công cho trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Linh (14 tuổi, ở Đức Thọ) bị tắc ruột do ăn nhiều hồng ngâm.

Gia đình cho biết, ngày 7/10, cháu Linh ăn liên tiếp 1kg hồng ngâm, sau vài tiếng, cháu xuất hiện đau bụng dữ dội kèm theo nôn, được gia đình chuyển đến viện. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận bệnh nhi bị tắc ruột, cần phẫu thuật gấp. Bác sĩ đã lấy được toàn bộ khối bã thức ăn, cách hồi manh tràng khoảng 20cm, sau đó hút dịch trong lòng ruột, khâu phục hồi ống tiêu hóa, rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, sức khoẻ ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Cách đây không lâu, Bệnh viện E tiếp nhận bệnh nhân H.T.S (45 tuổi, ở Phù Ninh, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đau bụng, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi dạ dày và bất ngờ phát hiện 4 khối bã thức ăn to như quả trứng trong dạ dày bệnh nhân. Trong đó, 3 khối bã thức ăn có đường kính 4-6cm và 1 khối to bất thường với đường kính trên 7cm.

Trong gần 2 giờ, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp nội soi cắt nhỏ và gắp bỏ ra hoàn toàn 3 khối bã thức ăn. Đối với khối bã thức ăn lớn đường kính trên 7cm còn lại trong dạ dày bệnh nhân, các bác sĩ quyết định sẽ phải tiến hành thêm một lần can thiệp khác để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Số khối bã thức ăn được lấy ra lần này có nhiều mảnh xơ từ quả hồng ngâm mà bệnh nhân đã ăn trước đó.

Hồi sức sau ca can thiệp đầu tiên, bệnh nhân S cho biết trước khi vào viện, bà có ăn 3 trái hồng giòn ngâm loại to vào lúc đói. Sau khi ăn vài giờ, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, nôn, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng, ăn uống kém. Thậm chí, trước đó, gia đình đưa bà S khám tại một cơ sở y tế tại địa phương, nghi ngờ có khối u trong bụng, chuyển lên Bệnh viện K điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân này đã đến Bệnh viện E.

Vì sao tắc ruột do u bã thức ăn thường xảy ra với người già, trẻ nhỏ?

Các bác sĩ cho biết, tắc ruột do khối bã thức ăn thường gặp ở người già và trẻ nhỏ. Trước đây, Bệnh viện E từng phẫu thuật cho cụ bà 86 tuổi bị tắc ruột do ăn thịt không nhai kĩ, vón thành cục lớn. Hay một trường hợp 82 tuổi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì đau thượng vị, nôn khi đau, bụng chướng hơi, suy thận. Trước đó, bệnh nhân này đã đi khám ở một bệnh viện tại Hà Nội và được chẩn đoán viêm dạ dày thực quản do trào ngược. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tiếp đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tại đây, kết quả chụp CT đã phát hiện một đoạn ruột của bệnh nhân bị nhồi chặt bởi xác bã một loại quả nào đó. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi lấy khối bã thức ăn. Bệnh nhân này cho biết thường ăn quả ngão hàng ngày bởi ở nhà có cây ngão (quả ngão trông giống quả sung nhưng kích thước to gấp 3 lần). Đây có thể là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bị tắc ruột.

Trường hợp khác tại Đồng Nai, một bé trai 10 tuổi được đưa vào viện trong tình trạng đau bụng kéo dài, bụng chướng, ói, tiêu chảy ra máu. Các bác sĩ phát hiện đoạn gần cuối ruột non có một khối hình bầu dục bị tắc nên tiến mành mổ, khi đoạn ruột non được rạch, phát hiện bên trong là khối u toàn bã ổi, kích thước khoảng 10 cm. Sau khi dị vật được lấy ra, vết thương được khâu lại, bệnh nhi đã hồi phục, ruột thông suốt, được ăn trở lại.

BS Vũ Hồng Anh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng - nội soi (Bệnh viện E) cho biết, khối bã thức ăn thường hình thành khi thực phẩm có nhiều chất tanin như hồng ngâm, xoài xanh, ổi… và thức ăn có nhiều chất bã xơ như măng, rau muống, cam, bưởi, quýt, mít, ngô... Đặc biệt lưu ý về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn. Đối với trẻ nhỏ, người già hay bị tắc ruột do u bã thức ăn là do răng miệng chưa phát triển hoặc đã lão hóa khiến thức ăn không được nghiền nát trước khi di chuyển vào dạ dày và đường tiêu hóa.

Nếu không được xử trí kịp thời, tắc ruột do ứ đọng bã thức ăn có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi ăn các món có nhiều nhựa như ổi, hồng ngâm, măng khô, cần phải ăn khi no. Để phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, người dân cần lưu ý cách ăn uống cho người cao tuổi: Thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ khi ăn; uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt...

 


Tay chân miệng, sởi vào mùa: Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ dân nhập cư

Quỳnh An
Gia đình & Xã hội