Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:39
RSS

"Kẻ đánh hơi" Mỹ phái đến châu Âu vì nghi Nga thử hạt nhân mạnh thế nào?

Thứ năm, 23/02/2017, 16:00 (GMT+7)

Mỹ điều máy bay dò phóng xạ đến châu Âu nhưng không tiết lộ lý do. Nhiều nguồn tin nghi ngờ nó thực hiện một nhiệm vụ bí mật mà có thể là xác định khả năng thử nghiệm hạt nhân của Nga.

Theo thông tin được Daily Mail đăng tải hôm 22/2, máy bay WC-135 Constant Phoenix, còn được gọi là máy bay “đánh hơi” hạt nhân hay "con chim thời tiết", được triển khai đến sân bay RAF Mildenhall ở hạt Suffolk – Anh, vào tuần qua để thực hiện một nhiệm vụ bí mật.

Trước đó, đã xuất hiện nỗi lo ngại cho rằng Nga có thể đang thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở Đông Âu hay Bắc Cực. Nghi vấn này xuất hiện sau khi trạm chất lượng không khí trên khắp châu Âu phát hiện mức phóng xạ Iodine-131 tăng đột biến vào tháng 1 và 2.

Mức phóng xạ Iodine-131 cao làm dấy lên hoài nghi Moscow đang thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở quần đảo Novaya Zemlya gần Bắc Cực.

Mỹ đã điều máy bay dò phóng xạ đến châu Âu mà không tiết lộ lý do. Ảnh: Daily Mail

Không ai có câu trả lời chính xác cho việc này, đôi khi các nhà máy điện hạt nhân cũng có thể khiến các chỉ số phóng xạ trong không khí cao hơn.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, điều này không thể khiến Mỹ phải triển khai cả WC-135 đến châu Âu mà nguyên nhân có thể đến từ việc Washington nghi Nga vừa thử nghiệm một loại đầu đạn hạt nhân mới mặc dù điều này không bị coi là vi phạm Hiệp ước cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân. 

WC-135 là phiên bản của máy bay vận tải Boeing C-135. Hiện chỉ còn hai trong số 10 chiếc dạng này phục vụ nhu cầu dò tìm phóng xạ của Không quân Mỹ kể từ khi được bổ sung vào lực lượng vào năm 1963.

WC-135, còn có biệt danh là "Kẻ đánh hơi". Ảnh: Internet

Chiếc máy bay, được đặt biệt danh là “chim thời tiết”, có thể chở tối đa 33 người, nhưng thường phi hành đoàn luôn được duy trì ở mức tối thiểu để tránh nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ.

Hai bộ phận bên thân máy bay được thiết kế để hút không khí vào các thiết bị lọc, từ đó lấy mẫu phân tích và cho kết quả ngay tức thời, chẳng hạn như xác nhận liệu có bụi hạt nhân trong không khí hay không, cũng như đầu đạn dùng để phóng.

Do vậy, WC-135 từng được triển khai đến khu vực diễn ra thảm họa Chernobyl vào năm 1986, nhà máy điện Fukushima sau sự cố năm 2011. Vào năm 2013, máy bay này cũng được điều đến Syria. WC-135 cũng có mặt ở bán đảo Triều Tiên theo sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus