Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:38
RSS

Sự thật về bài thuốc dùng tỏi mọc mầm chữa ung thư đang được hàng nghìn người chia sẻ

Thứ tư, 15/03/2017, 11:30 (GMT+7)

Tỏi mọc mầm xanh thường được coi là đã hỏng và bị bỏ đi. Tuy nhiên, thời gian gần đây rất nhiều người chia sẻ rằng loại tỏi này có tác dụng chữa khỏi ung thư.

Tỏi mọc mầm là “khắc tinh” của ung thư?

Những ngày gần đây, trên các diễn đàn các bài viết về công dụng của tỏi mọc mầm chữa ung thư được chia sẻ chóng mặt.

Một nội dung mà được nhiều chị em chia sẻ nhất là: “Tỏi mọc mầm chứa rất nhiều các hoạt chất giúp ức chế các tế bào gốc tự do gây ung thư giúp phòng chống ung thư rất tốt. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, hợp chất phytoalexin có lợi cho sức khỏe con người tăng rất mạnh khi tỏi bắt đầu này mầm.

Khi ăn tỏi nảy mầm, hợp chất này sẽ giúp hỗ trợ sức đề kháng, tăng khả năng ức chế các loại vi rút, vi khuẩn và các tế bào gốc tự do có hại cho cơ thể. Chính vì vậy, nếu bạn đang có ý định vứt bỏ những tép tỏi cũ đã mọc mầm để thay bằng những tép tỏi tươi mới hơn thì hãy suy nghĩ lại nhé, bởi rất có thể chúng sẽ cứu sống bạn đấy!”.

Tỏi mọc mầm có thực sự chữa được ung thư?

Tại một trang khác có viết: “Thông thường, các củ quả mọc mầm hầu hết đều phát sinh những chất độc, thậm chí là kịch độc như khoai tây. Tuy nhiên với tỏi, việc mọc mầm của loại củ gia vị này thì ngược lại, thậm chí còn “chiến đấu” rất tốt với bệnh ung thư”.

Đọc thông tin trên mạng về tác dụng của tỏi mọc mầm, chị Vũ Thị Thu Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) mua liền lúc mấy cân tỏi về rồi để trong môi trường ẩm ướt cho chúng mọc mầm, sau đó mới lấy ra sử dụng để xào, nấu ăn. 

Chị cho biết, theo tìm hiểu của chị thì trong tỏi mọc mầm có nhiều chất chống lại các virus xâm nhập cơ thể. Đặc biệt, trong tỏi mọc mầm có chứa các chất chống oxy hóa cực mạnh (được chuyển hóa từ khi chưa mọc mầm sang mọc mầm) giúp ngăn chặn các bệnh do vi khuẩn, virus. Không chỉ tốt cho sức khoẻ, tỏi mọc mầm còn là khắc tinh của bệnh ung thư, là vị thuốc tự nhiên phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Quá trình nảy mầm trong tỏi kích thích sản sinh chất phytochemical, có khả năng chặn sự lây lan của các tế bào ung thư ác tính và ức chế hoạt động của các chất gây ung thư trên cơ thể. 

Chưa có bằng chứng khoa học

Xung quanh tác dụng chữa bệnh ung thư của tỏi mọc mầm, Lương y Vũ Quốc Trung (Phòng chuẩn trị y học cổ truyền chùa Cảm Ứng) cho biết, tỏi vừa làm gia vị và tỏi cũng là một vị thuốc rất quý hiếm. Trong Đông Y, tỏi vị cay, tính ấm, hơi có độc.

Tuy nhiên, tỏi mọc mầm thì không thể chữa được ung thư mà nó chỉ có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Tỏi mọc mầm thành phần không khác tỏi bình thường. Khi tỏi mọc mầm là trong quá trình chuyển hóa sinh trưởng, vì vậy chúng có thể sinh ra nhiều hoạt chất mới và có nhiều tác dụng khác nữa mà chúng ta chưa khám phá hết.

Để phòng tránh bệnh, chúng ta có thể sử dụng tỏi tươi hay tỏi mọc mầm sống trong mỗi bữa ăn hằng ngày. Còn ung thư là một bệnh rất nguy hiểm vì vậy cần lưu ý khi sử dụng tỏi mọc mầm cho người bệnh.

Lương y Vũ Quốc Trung

Dù những thông tin về tác dụng của tỏi mọc mầm được đăng nhiều nhan nhản trên các trang mạng, nhưng TS Văn Đức Bình, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định trên tạp chí Kiến thức: cho đến nay chưa có một công trình khoa học nào khẳng định được rằng, tỏi mọc mầm có khả năng chữa bệnh, thậm chí là chữa và phòng ngừa được ung thư. 

Quá trình nảy mầm của tỏi sẽ phát sinh các chất mới, do đó hàm lượng allicin có thể được tổng hợp từ hai thành phần sẵn có trong tỏi là alliin và enzym allinaze. Trong tỏi bình thường không có thành phần allicin. Nghiên cứu về allicin đã được nhiều quốc gia công bố, nhưng chưa có công trình nào khẳng định tỏi mọc mầm có chất này hay không. Mọi giả thuyết đến nay vẫn chỉ là giả thuyết. 

Theo TS Văn Đức Bình, allicin là hoạt chất quý nhất và quan trọng nhất của tỏi, nhưng không có sẵn ở trong tỏi. Tuy nhiên, khi được cắt mỏng hoặc đập dập và dưới sự xúc tác của men allinase, chất alliin có sẵn trong tỏi sẽ tự tổng hợp thành allicin.

Nhưng vấn đề là allicin dễ mất hoạt tính sau khi được hình thành và càng để lâu càng mất hoạt tính. Allicin là một chất kém bền ngày cả ở điều kiện bình thường còn khi qua đường tiêu hóa thì khả năng cơ thể hấp thụ allicin là vô cùng nhỏ. Bởi thế mà không thể kỳ vọng vào những tác dụng thần kỳ của tỏi mọc mầm.

Theo các chuyên gia, tỏi mọc mầm không độc, nhưng khuyến cáo đưa ra là không nên ăn do tỏi bị xốp, ọp, mất đi các tinh dầu nên không còn thơm ngon và dậy mùi thơm nữa.

Tác dụng của tỏi đối với sức khỏe

PV
Theo Đời sống Plus