Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:08
RSS

Sự thật bức ảnh 'bác sĩ về thăm con lần cuối' trước khi qua đời vì Covid-19

Thứ năm, 26/03/2020, 12:00 (GMT+7)

‘Vị bác sỹ Indonesia’ đã qua đời vì Covid-19 lại không phải là vị bác sỹ trong bức ảnh về thăm vợ con ‘lần cuối’, như cộng đồng mạng đã chia sẻ.

Bức ảnh bác sĩ Indonesia về thăm con gây bão cư dân mạng liệu có phải là sự thật?
Câu chuyện không đúng sự thật về bác sĩ Indonesia vừa qua đời vì Covid-19 được dân mạng lan truyền qua tin nhắn WhatsApp mà không kiểm chứng. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến.

Mới đây, hình ảnh về một bác sĩ Indonesia tên Hadio Ali Khazatsin "về thăm con lần cuối" được CĐM chia sẻ rầm rộ. Theo thông tin được chia sẻ, bác sĩ này làm việc tại Bệnh viện Premier Bintaro (Indonesia), đang tham gia chữa Covid-19 và đã tranh thủ về thăm vợ con nhưng chỉ dám đứng ngoài ngắm nhìn. Sau đó, bác sỹ đã nhiễm bệnh và qua đời. 

Bức ảnh xúc động trên đã lấy đi nhiều nước mắt và sự cảm thông của cư dân mạng. Rất nhiều bình luận để lại, bày tỏ sự tiếc nuối về tình cảm gia đình. Sự hy sinh thầm lặng của các bác sự và sự đau lòng khi đại dịch Covid-19 lấy đi rất nhiều thứ quý giá của con người, bao gồm cả sinh mạng. 

Câu chuyện ban đầu được chia sẻ qua tài khoản Facebook mang tên Birgaldo Sinaga với dòng bình luận bên trên ảnh: "Quá mong mỏi được gặp vợ con, anh ấy đã xin phép về nhà chỉ để nhìn thấy hai tình yêu của mình và người vợ đang mang thai". 

Tài khoản trên đưa ra thông tin rằng, đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của bác sỹ quá cố với vợ và 2 con nhỏ của mình. Vì vui mừng khi chồng được hội ngộ cùng gia đình, vợ bác sỹ đã chụp lại khoảnh khắc này. Sau đó, trong quá trình khám chữa điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, vị bác sỹ này không may nhiễm bệnh và không thể qua khỏi.

Ban đầu, bức ảnh được chia sẻ 'rầm rộ', bởi Indonesia đang là nước có tỷ lệ tử vong rất cao. Câu chuyện nhanh chóng được lan truyền với tốc độ ‘chóng mặt’ qua ứng dụng WhatsApp và nhận được nhiều sự quan tâm.

Bức ảnh bác sĩ Indonesia về thăm con gây bão cư dân mạng liệu có phải là sự thật
Bức ảnh gốc được tài khoản Ahmad Effendy Zailanudin đăng tải hôm 21/3. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến.

Tuy nhiên, qua sự tìm hiểu của báo chí Indonesia, hình ảnh trên không phải của bác sĩ tên Hadio. Sự thật, bức ảnh gốc được đăng tải hôm 21/3 bởi tài khoản tên Zailanudin (đến từ Malaysia).

Chủ nhân hình ảnh cho biết, người đàn ông trong bức hình chính là anh họ của mình. Trùng hợp, anh cũng làm bác sỹ và đang tham gia chống dịch Covid-19. Ahmad Effendy cho hay, anh trai của mình đang làm việc tại bệnh viện tại Selangor, Malaysia. Vì quá nhớ con, nên anh chỉ dám đứng từ xa để nhìn thấy con của mình vui đùa.

Cũng tài khoản này thông tin thêm, bác sỹ người Malaysia hiện đang rất khỏe mạnh và không nhiễm Covid-19 như thông tin mạng xã hội chia sẻ. 

Ngày 24/3, hàng loạt tờ báo, trang tin tức của Indonesia như Tempo, Tribun-Timur, Kompas.tv, Jatimtimes đã đưa tin đính chính về sự việc. Trên trang cá nhân của tác giả bức ảnh gốc, cũng bày tỏ sự cảm ơn, khi các báo Indonesia đã giúp anh đính chính sự việc trên.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, cư dân mạng nên cảnh giác, không lan truyền những tin đồn thất thiệt khi chưa có căn cứ hoặc chưa có thông tin chính xác. Tin giả sẽ gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của chính phủ và người dân.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN