Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:32
RSS

Sốt xuất huyết tăng báo động ở Đồng Nai, nhiều trường hợp tử vong

Thứ năm, 09/06/2022, 07:11 (GMT+7)

Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 4.300 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong, tăng 63,8% so với cùng kỳ.

Sự kiện:
Đồng Nai

Chia sẻ trên Dân Việt ngày 8/6, bác sĩ Phan Văn Phúc - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai đang bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết Trong đó, các địa phương đang có dịch lớn gồm: TP Biên Hòa, TP Long Khánh, các huyện Định Quán, Long Thành, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Nhơn Trạch,…

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai , các khoa của bệnh viện đang điều trị cho gần 100 bệnh nhân bị sốt xuất huyết tuổi từ 4-15, trong đó có gần 30 bệnh nhi bị xuất huyết nặng, rơi vào trạng thái sốc, phải điều trị hồi sức tích cực. Có nhiều bệnh nhi xuất hiện tình trạng chảy máu chân răng, lốm đốm nổi lên ở tay chân và nhiều khu vực trên cơ thể.

Bác sĩ Nghĩa nhận định, theo chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết (4 năm 1 lần) thì năm nay dự báo dịch bệnh này sẽ bùng phát mạnh. Ở trẻ em, lứa tuổi thường mắc bệnh nhiều nhất là từ 4-15 và thường bị bệnh nặng từ 8-9 tuổi.

Đặc biệt với những trường hợp trẻ em có bệnh nền kèm theo như bệnh tim, tan máu bẩm sinh, đặc biệt là béo phì thì khi mắc sốt xuất huyết bệnh sẽ dễ bị trở nặng hơn. Với những trường hợp này, các y, bác sĩ phải thường xuyên theo dõi diễn tiến của bệnh nhân, đo huyết áp, xét nghiệm máu… để tránh nguy cơ bệnh diễn biến xấu.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, mỗi tuần hiện đơn vị này tiếp nhận và điều trị nội trú cho khoảng 50 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện.

Các bác sĩ tại khoa Nhiễm cho hay, do có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trở nặng nên khoa luôn trong tư thế sẵn sàng nhận bệnh, xử lý bệnh. Bên cạnh đó một số giường của khoa Hồi sức tích cực chống độc cũng luôn trong tư thế sẵn sàng để hỗ trợ khoa Nhiễm khi cần thiết. Đặc biệt trong trường hợp có bệnh nhân sốc sốt xuất huyết thì 2 khoa này sẽ hỗ trợ nhau trong công tác hội chẩn và điều trị,…

Sở Y tế Đồng Nai cũng thông tin, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 4.300 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 63,8% so với cùng kỳ), trong đó có 4 ca tử vong. Đáng chú ý, có gần 70% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là trẻ em dưới 15 tuổi, có nhiều trường hợp trở nặng khi nhập viện do sự chủ quan, lơ là từ người lớn.

Sốt xuất huyết tăng báo động ở Đồng Nai, nhiều trường hợp tử vong

Ảnh minh hoạ

Trước tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đồng Nai đang ra sức thực hiện nhiều phương án phòng dịch như diệt muỗi, lăng quăng, dọn sạch sẽ nơi ở, tăng cường tập huấn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ,…

UBND tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng, chống dịch nói chung và bệnh sốt xuất huyết nói riêng. Ngoài ra, vận động người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, làm sạch môi trường sống để giảm thiểu được tình trạng dịch bệnh bùng phát.

Nguồn tin trên báo Đồng Nai cho biết, theo các chuyên gia y tế, năm 2022 là năm xuất hiện đỉnh dịch sốt xuất huyết nên dự báo số ca mắc và tử vong sẽ khá cao. Đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận hơn 36,5 ngàn trường hợp mắc SXH, trong đó có 17 ca tử vong tại 8 địa phương. Dịch đang bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Đồng Nai, nhất là khi thời tiết ở miền Nam đang diễn biến bất thường, mưa kéo dài là điều kiện để phát sinh những ổ dịch.

Trước thực trạng các ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết  thông qua các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, huy động người dân chủ động dọn dẹp những vật dụng chứa nước đọng, nơi lăng quăng, muỗi phát triển… Đây là những giải pháp đơn giản nhưng hữu hiệu trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bởi đến thời điểm này, sốt xuất huyết vẫn là căn bệnh truyền nhiễm chưa có vaccine phòng ngừa.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại