Trên chiếc xe ô tô 7 chỗ ngồi, có tôi và những người trong một gia đình, gồm có bà ngoại, mẹ và 3 đứa con. Một đứa tên Khánh (11 tuổi), một đứa tên Duy (8 tuổi) và bé gái tên Linh (6 tuổi).
Tôi là người quen gia đình này, công tác miền núi, rõ đường, nên tình nguyện làm tài xế!
Câu chuyện tranh cãi trên xe khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều điều về cuộc sống (Ảnh minh họa)
Gia đình đi tham quan một điểm ở Tây Bắc. Đường đi khó, tôi lái chậm và kể chuyện chống say xe cho bọn trẻ. Tôi đùa:
- Lần này không chỉ đi chơi mà còn vào núi lấy vàng nữa đấy các cháu nhé.
Cu Khánh nhanh nhảu:
- Mình được lấy bao nhiêu hả chú?
Tôi nói đại:
- Khoảng một bao tải. Thoải mái sống cả đời sung sướng cháu ạ.
Xe chạy qua những khúc cua, một bên vực sâu, một bên núi rừng trùng điệp. Tôi chỉ tay về một quả núi bị đào nham nhở, nói:
- Vàng ở đấy. Các cháu nhìn đi.
Ba đứa trẻ trầm trồ, bàn cách lấy vàng. Đứa thì hỏi xem có bao tải không. Đứa thì bảo đựng ở ba lô du lịch Đứa thì bảo bỏ lên xe, không cần đựng. Không khí vui vẻ. Mẹ bọn trẻ biết tôi đánh lạc hướng để chúng đỡ say xe nên tham gia câu chuyện.
- Vàng nhiều thế, các con vác sao nổi. Có muốn vào lấy không?
Cu Khánh bảo:
- Có vàng rồi, mình thuê người vác, lo gì mẹ. Ta vào lấy đi.
Thấy bọn trẻ quả quyết, tôi hơi lo. Nếu không đưa chúng vào đó thì mình thành người nói dối. Chúng càng ngày càng quan tâm đến vàng. Tôi vừa lái xe, vừa suy nghĩ. Bỗng một ý tưởng vui nảy ra, hy vọng khiến bọn trẻ nản, bỏ ý định vào núi lấy vàng.
Tôi nói:
- Nhưng đường vào núi vàng hiểm trở, nguy hiểm lắm. Ở đây có luật là phải bỏ lại 2 người mới được vào núi lấy vàng. Các cháu có quyết đi nữa không?
Cả xe im lặng. Bà ngoại và mẹ bọn trẻ cười, chắc nghĩ chúng sẽ bỏ ý định vào đó lấy vàng. Không khí im lặng một lúc thì Khánh lên tiếng:
- Bắt buộc bỏ lại 2 người hả chú?
Bà ngoại cười to: “Hay bỏ lại bà đi”. Mẹ chúng có vẻ hồi hộp: “Xem vàng nặng hay người nặng đây”. Một lúc sau, Khánh lên tiếng:
- Bỏ lại Duy và bà ngoại đi!
Tôi giật mình, khựng tay lái. Xe bò qua những đoạn khó. Tôi sốc với cách lựa chọn của Khánh và sự lựa chọn này chắc chắn khiến những người bị loại bị tổn thương. Chưa cần hỏi sâu vì sao bỏ lại bà ngoại và em Duy, chỉ cần lựa chọn như thế cũng đủ thấy vàng quan trọng với Khánh thế nào. Tôi tìm một chỗ trống đỗ xe để thay đổi không khí. Tuy không nhìn ra phía sau, nhưng tôi biết bà ngoại và mẹ Khánh đang buồn, dù biết đây là trò đùa. Bỗng cu Duy lên tiếng, không khí căng hẳn lên:
- Anh nhớ đấy. Anh bỏ lại em. Từ này không còn anh em gì nữa hết. Em không chơi với anh nữa.
Tôi đỗ xe, mời mọi người xuống ngắm cảnh và “giải quyết nỗi buồn”. Tôi thấy câu chuyện đùa bỗng trở thành tình huống thử thách khốc liệt. Tôi nhìn thấy bà ngoại bọn trẻ buồn buồn. Mẹ chúng thì biểu hiện rõ hẳn trên mặt. Tôi nhìn về phía Khánh. Cu cậu 11 tuổi mà lớn tướng, nét mặt thông minh và láu.
Bất ngờ, Khánh nói với Duy.
- Lấy vàng xong anh quay lại đón bà ngoại và em.
+ Em không tin. Em không chơi nữa. Bà ngoại ở lại hổ ăn thịt thì sao. Đây toàn rừng, anh không thấy à.
Bà ngoại bọn trẻ lại xoa đầu cả hai:
- Thôi hai cháu, không cãi nhau nữa. Mình có nhiều cách mà. Ví dụ mượn xe to hơn, chở được nhiều người hơn rồi quay lại lấy. Vậy là không phải bỏ lại ai cả.
Cu Khánh nói như gắt với bà:
- Nhưng người ta yêu cầu bỏ lại 2 người, chứ có yêu cầu lấy xe to hơn đâu.
Mẹ giận cu Khánh ra mặt:
- Vì vàng mà con bỏ em và bà ngoại sao? Con có thể không lấy vàng mà. Sao có thể bỏ người thân chỉ vì vàng hả con trai!
Nói xong, chị ra hiệu với tôi ra chỗ vắng nói chuyện riêng.
+ Anh thấy đấy. Chỉ vì vàng mà anh em bất hòa. Rất buồn lòng nhưng tình huống anh đặt ra đã giúp em biết đứa tốt, đứa xấu mà có cách dạy cho phù hợp. Em sẽ quan tâm thằng Khánh hơn. Nó lựa chọn khiến tôi thấy sợ anh ạ. Tôi không dám hỏi vì sao nó bỏ lại bà ngoại và em Duy nữa!
Tôi trấn an:
- Cũng là tình huống vui mà chị. Nếu mình hỏi thêm có khi nó sẽ có phương án tốt hơn. Do mình đưa ra tình huống sốc quá, nó buộc phải chọn, theo kiểu trắc nghiệm thôi. Trẻ con, nó không nghĩ sâu xa thế, chị đừng lo lắng.
Chị ta lắc đầu rồi đi về phía bà ngoại. Có lẽ là động viên bà. Tôi để cho họ có khoảng riêng.
Xong lên xe. Tôi mở nhạc nhẹ nhàng để mọi người thư giãn và cũng để giúp mình nghĩ ra cách cứu gia đình này ra khỏi không khí trầm lắng. Hơn nữa, tôi phải dạy cho cậu Khánh này bài học. Một ý nghĩ sáng lên và tôi bắt đầu nói khi Khánh tiếp tục nhắc “đi lấy vàng thôi chú”:
+ Trên đó có vàng, nhưng các cháu không lên đó được nữa. Trước đây, đã có một gia đình lên được đó. Gia đình ấy đi cùng nhau và không bỏ lại ai cả. Họ sát cánh vượt nhiều khó khăn khiến ông chủ giữ khu vàng ấy cảm động nên cho họ mang vàng về sống vui vẻ bên nhau. Câu hỏi: “Phải bỏ lại 2 người để được lên núi lấy vàng, bạn bỏ ai?” giống như một mật mã. Trả lời sai sẽ không được lên núi vàng. Khánh quyết định bỏ lại bà ngoại và em trai, đó là đáp án sai. Câu trả lời đúng là: “Vàng quan trọng, nhưng tình nghĩa gia đình quan trọng hơn. Nếu đi thì cũng nhau đi, hoặc không cần vàng”…
Cu Duy nãy giờ ấm ức vì bị anh quyết bỏ lại, nghe vậy lại reo lên:
- Thấy chưa, nếu em, em không cần vàng. Em cần bà, cần mẹ và mọi người. Anh sai rồi…
Bà ngoại vui lên một chút khi có cháu Duy tình cảm, trọng nghĩa tình. Bà nói:
- Thôi chuyện lên núi lấy vàng bỏ qua đi. Chúng ta đã chọn đáp án sai. Giờ Khánh và Duy bắt tay nhau đi. Tình cảm anh em mới quan trọng, sau này các cháu phải đoàn kết thì mới thành công như câu chuyện cùng nhau lên núi lấy vàng. Nếu bỏ rơi nhau lại chỉ vì vàng, vì tiền, các cháu chẳng những sẽ không có tiền, không có vàng mà còn mất tình anh em. Hiểu chưa các cháu?
Khánh quay sang Duy: “Anh xin lỗi em”. Duy bảo: “Em không giận anh nữa…”. Mẹ bọn trẻ cũng như vừa trút được gánh nặng:
- Sau này Khánh đừng bỏ lại ai. Chỉ có yêu thương mọi người mới được đền đáp con trai nhé!
Đúng là cuộc sống muôn màu. Đến khi đối diện núi vàng mới biết lòng người! May mà còn cứu vãn được, khi nó chỉ là giả thuyết, là chuyện vui!