Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:13
RSS

Số người chết do sốt xuất huyết tăng gấp 5 lần trong năm 2019, chuyên gia nói gì?

Thứ năm, 07/11/2019, 13:41 (GMT+7)

Thống kê trong 10 tháng đầu năm 2019, cả nước có hơn 200.000 người mắc và 50 trường hợp chết do sốt xuất huyết, cao gấp gần 5 lần cùng kỳ năm ngoái.

Môi trường, khí hậu thay đổi khiến muỗi sinh sôi

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 10 tháng đầu năm 2019, trên cả nước ghi nhận hơn 200.000 người mắc sốt xuất huyết trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có khoảng 72.000 bệnh nhân. Đến nay đã có 50 trường hợp tử vong, tăng gấp gần 5 lần cùng kỳ.

Số người chết do sốt xuất huyết tăng gấp 5 lần trong năm 2019, chuyên gia nói gì?

Số ca tử vong do sốt xuất huyết tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: XMai

Lý giải về việc dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Ông Phạm Hùng, Trưởng Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng cho biết, nguyên nhân do tình trạng nóng lên toàn cầu khiến muỗi sinh sôi mạnh. Dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực đang gia tăng. Đáng nói Việt Nam là nước lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết và còn nằm giữa các quốc gia có dịch bệnh này.

Muỗi vằn truyền bệnh có ở khắp mọi nơi, đốt người bệnh rồi truyền cho người lành. Chính sự biến động dân cư, người dân đi du lịch giữa các vùng miền làm dịch bệnh lan rộng khắp 63 tỉnh thành, gây khó quản lý và kiểm soát nguồn bệnh.

Số người chết do sốt xuất huyết tăng gấp 5 lần trong năm 2019, chuyên gia nói gì?

Ngoài ra phải kể đến tốc độ đô thị hóa nhanh khiến việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn. Các công trình xây dựng, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ... là nơi phát sinh các vũng nước, dụng cụ chứa nước không hợp vệ sinh, cùng cây cối um tùm... trở thành môi trường lý tưởng cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển.

Ngay tại gia đình, người dân vẫn có tập tục chứa nước như lọ cắm hoa, bát nước kê chân chạn, chậu hoa cây cảnh, hòn non bộ, lu, khạp, bồn, bể chứa nước, đặc biệt các vật phế thải xung quanh nhà như lốp xe, vỏ dừa, vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ... không được thu gom, xử lý là môi trường để muỗi vào đẻ trứng, sinh sôi.

Người dân vẫn thờ ơ

Theo PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP.HCM, sốt xuất huyết là do tương tác giữa 3 yếu tố gồm: tác nhân gây bệnh (virus sốt xuất huyết), khối cảm thụ (con người), véctơ truyền bệnh (muỗi vằn). Do đó, chỉ cần một trong ba yếu tố này gia tăng theo chiều hướng bất lợi có thể kéo theo dịch bệnh gia tăng.

Sự thay đổi có thể bao gồm sự xuất hiện hoặc gia tăng chủng huyết thanh mới của tác nhân gây bệnh ở địa phương, sự di chuyển của muỗi và cá thể người bệnh từ vùng ít lưu hành sốt xuất huyết sang vùng lưu hành cao.

Nhiệt độ ngày một tăng cao thích hợp cho quá trình phát triển từ trứng thành loăng quăng rồi thành muỗi trong chu trình ngắn hơn đồng thời tuổi thọ muỗi cũng tăng hơn. Những năm gần đây mùa đông có xu hướng ấm áp hơn, mưa trái mùa nhiều hơn, kéo dài hơn khiến cho muỗi có thể phát triển quanh năm, không bị ức chế vào mùa đông hoặc giảm vào mùa khô như trước đây. Đây là lý do dịch sốt xuất huyết kéo dài cả năm và mạnh hơn vào mùa mưa.

Số người chết do sốt xuất huyết tăng gấp 5 lần trong năm 2019, chuyên gia nói gì?

Cách duy nhất phòng chống dịch sốt xuất huyết là vệ sinh môi trường, ngăn không cho muỗi sinh sôi

Ước tính trên thế giới cứ khoảng 10 năm thì số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp đôi. Dịch bệnh này đã xuất hiện ở hơn 128 quốc gia với 3,9 tỷ người, tức khoảng 40% dân số toàn cầu có nguy cơ mắc bệnh.

Đáng nói, trước đây, bệnh chỉ ghi nhận ở các nước vùng nhiệt đới, nay đã ghi nhận càng lúc càng nhiều ca tại các vùng cận nhiệt đới, ôn đới như châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới lần đầu tiên đánh giá sốt xuất huyết là một trong 10 mối nguy cho sức khỏe nhân loại trong năm 2019.

Ông Hùng cho biết, sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt các ổ loăng quăng, bọ gậy. Vấn đề còn nằm ở nhận thức của người dân, chưa ý thức được mức độ nguy hiểm và sự lây lan của sốt xuất huyết.

Một số nơi, người dân thậm chí còn có thái độ không hợp tác với ngành y tế để phun thuốc diệt muỗi. Khi có đoàn kiểm tra, nhiều gia đình không muốn cho cán bộ y tế đến kiểm tra môi trường sống, tìm diệt ổ loăng quăng. Khi người dân còn chủ quan, thờ ơ với muỗi vằn thì dịch sốt xuất huyết vẫn còn tiếp diễn. Ông Hùng cho hay, hiện dịch có dấu hiệu chững lại nhưng chưa xuống nhanh, phải tới hết tháng 12 mới hết dịch.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, sắp tới tiếp tục tăng cường phun thuốc diệt muỗi, đặc biệt là phun trên diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng... khuyến cáo người dân vệ sinh môi trường, loại bỏ những vật dụng chứa nước có bọ gậy... nhằm mục tiêu khống chế được dịch sốt xuất huyết trong tháng 11.

Hà Ly
Theo Sức khỏe cộng đồng