Ảnh minh họa.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, tính đến tuần 25, TP.HCM ghi nhận 18.976 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021 là 7.542 ca. Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 311 ca chiếm 1.6% tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tuần 25 (từ ngày 17/06/2022 đến 23/06/2022), TP.HCM ghi nhận 2.548 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 611 ca (31,6%) so với trung bình 4 tuần trước. Đáng chú ý, cũng trong tuần 25, TP ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy, số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 10 trường hợp, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 (3 ca).
Theo số liệu của phòng kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, từ đầu tháng 6 đến ngày 236, BV có khoảng 1.600 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị, trong đó có 200 bệnh nhân nặng gồm 46 trẻ em và 154 người lớn. Trong số các ca nặng, có 99 ca có địa chỉ ở TP và 101 ca có địa chỉ ở các tỉnh khác.
Số bệnh nhân đến khám liên quan tới sốt xuất huyết cũng tăng cao với hơn 4.800 ca. Ngoài ra, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tuyến cuối chuyên tiếp nhận các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết hiện đang ghi nhận nhiều bệnh nhân bị sốc, nguy kịch, phải hồi sức tích cực do sốt xuất huyết.
Trao đổi với PV sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, ngày xưa bệnh sốt xuất huyết chủ yếu xuất hiện ở trẻ em, nhưng hiện nay lứa tuổi mắc sốt xuất huyết đang ngày càng tăng lên, lứa tuổi trung bình mắc bệnh là lứa tuổi thanh niên từ 25-30 tuổi. Hiện nay tỷ lệ mắc sốt xuất huyết ở người lớn chiếm 60% và trẻ em chỉ còn 40%.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 3 ca tử vong, 7 ca sốt xuất huyết nặng xin về. Trong đó, một sản phụ thai lưu 18 tuần, sốc, tổn thương đa cơ quan. Một phụ nữ khác sốc nặng, xuất huyết nặng, thai lưu 10 tuần. Nhiều ca sốc nặng, suy tạng, viêm cơ tim, xuất huyết thể não, mang theo bệnh nền như béo phì, tiểu đường,…
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm cấp tính do virus Dengue. Tại Việt Nam bệnh xảy ra quanh năm và gia tăng vào mùa mưa. Bệnh xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi vằn (Aedes aegypti & albopictus). Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C. |