Thứ năm, 21/11/2024 | 19:13
RSS

Shark Phú "thả thính" CEO nữ: "Hành vi cợt nhả, suồng sã không thể chấp nhận trên sóng truyền hình"

Thứ năm, 13/05/2021, 08:40 (GMT+7)

TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã "thốt" lên như vậy khi xem tập 2 của Shark Tank mùa 4 mà Shark Nguyễn Xuân Phú đã có màn "thả thính" CEO xinh đẹp Nguyễn Thị Thu Hằng.

Trong tập 2 của Shark Tank mùa 4, Shark Nguyễn Xuân Phú đã có màn "thả thính" CEO xinh đẹp Nguyễn Thị Thu Hằng gây xôn xao cộng đồng.

"Cá mập" dày dặn kinh nghiệm này liên tiếp đưa ra những câu nói ngôn tình như "Anh chỉ mải nhìn em nên chẳng thấy gì ở chiếc xe cả" hay "Anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi" để chiêu dụ Thu Hằng bắt tay đồng hành với mình.

Sau khi thương vụ này lên sóng, có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, cho rằng Shark Phú chọn lựa đầu tư chỉ vì "sạch - xanh - xinh" mà bỏ qua màn định giá cổ phần.

Có dấu hiệu hạ thấp người phụ nữ

Chiều ngày 12/5, trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, một số câu nói mang tính chất hạ thấp người phụ nữ.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chúng ta đang hướng đến xã hội khởi nghiệp, có nhiều hoạt động mang tính chất thực tế để tạo nhiều cơ hội cho người trẻ khởi nghiệp. 

"Mình phải đặt mình vào trường hợp người khác để xem câu nói của mình có tôn trọng hay không. Cùng với đó, nhà sản xuất có thể tìm cách thức để chương trình hay hơn, nhiều người xem hơn nhưng nếu sử dụng một số chiêu trò gây chú ý như thế này vui vẻ quá trớn thì chỉ có hậu quả", PGS.TS Trần Thành Nam góp ý.

"Show truyền hình Shark Tank là chương trình có ý nghĩa tốt đẹp, là nơi xúc tiến cho các nhà đầu tư cũng như những ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng có thể gặp nhau, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho xã hội.

Mục tiêu là vậy nhưng hiện show đang có xu hướng biến sang giải trí để có sự tương tác tốt hơn, không mang hướng đến hiệu quả đánh giá sâu sắc về chất lượng sản phẩm, ý tưởng kinh doanh hay sáng tạo trong mô hình kinh doanh", PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.


Shark Phú đã có màn chốt deal gây tranh cãi với CEO xinh đẹp Nguyễn Thị Thu Hằng.

Ông Nam cho rằng, chương trình đang có hướng "mang tính chất show giải trí" liên quan đến lượng người xem, lượng Rating (lượng người xem tivi trong thời gian cụ thể). Việc này có thể làm cho bản thân các Shark tham gia chương trình hoặc áp lực của người sản xuất yêu cầu cần tạo nên điều gì đó vui vẻ, mới mẻ… 

Bên cạnh đó, ở chương trình mang tính chất chính thống như Đài truyền hình Việt Nam bao giờ cũng phải đảm bảo chuẩn mực nhất định như phát ngôn, ngôn ngữ giao tiếp đảm bảo tôn trọng những người tham gia chương trình, tôn trọng khán giả ở mọi độ tuổi theo dõi chương trình. Vừa tôn trọng nhưng phải đảm bảo mặt văn hoá, định hướng thế hệ trẻ. 

Bản thân những người xem chương trình họ có thể cũng đang có những ý tưởng mang tính chất muốn học hỏi từ những người đi trước, từ mô hình để học hỏi mô hình đó. Bất kỳ thông điệp nào đó hiểu sai lệch mục đích ý nghĩa của chương trình hoặc mang tính chất không tôn trọng người tham gia chương trình, khán giả đều có nguy cơ.


PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).

"Nguy cơ chính cho cả chương trình và người phát ngôn tham gia chương trình đó. Những lời trêu chọc trong chương trình này nếu nghĩ theo cách trầm trọng thì đó rõ ràng quấy rối tình dục bằng lời nói. Nếu những hành động đó hướng đến bình luận về mặt cơ thể, nhân phẩm mà làm cho người khác ngượng ngùng, cảm thấy không muốn, họ cảm thấy mình bị xúc phạm… 

Ông Nam đưa ra dẫn chứng câu chỉ cần "ngoan, ngon,…" đó chỉ là lời nói suồng sã của những đàn ông với chị em phụ nữ ngoài đời thường. Còn khi trên sóng truyền hình có nhiều người xem, đặc biệt là khán giả nữ, họ sẽ cảm thấy mình bị xúc phạm, không thoải mái với những lời "ong bướm, thả thính" như vậy.

Ý nghĩa tiềm ẩn sau đó có thể ảnh hưởng đến giới trẻ, nhất là trong bối cảnh hiện tại khi chúng ta đang sống trong nền văn hoá rất trọng ngoại hình. Với những người đại diện cho những nhà đầu tư phát ngôn ra việc không cần quan tâm có ý tưởng, thông minh như thế nào chỉ cần anh chị xinh thôi hoặc "sạch" thì đó mang tính chất hạ thấp người phụ nữ", ông Nam nhấn mạnh.

"Ở chương trình đài quốc gia mà nói những lời nói như vậy là điều khó chấp nhận được. Với nhiều bạn trẻ sống trong môi trường hình thức, bị ám ảnh bởi hình thức, nếu xem những chương trình như thế này sẽ cảm thấy chẳng cần học hành gì nhiều, chỉ cần đầu tư phẫu thuật thẩm mỹ, ngoại hình hơn đầu tư học vấn", ông Nam nêu.

"Đây rõ ràng là hành vi quấy rối tình dục, phân biệt đối xử ngay trên sóng truyền hình"

Cũng trong chiều ngày 12/5, trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề trên, TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: Đây rõ ràng là hành vi quấy rối tình dục, phân biệt đối xử giới tính ngay trên sóng truyền hình.

"Tôi thấy việc đưa chương trình này lên đài truyền hình quốc gia phải thận trọng bởi có hàng triệu khán giả theo dõi, những phát ngôn ở đây phải chuẩn chỉ.


CEO Nguyễn Thị Thu Hằng giới thiệu về mô hình kinh doanh, sản phẩm của mình.

Chúng ta cũng biết ở Việt Nam văn hoá bông lơn, cười đùa cợt nhả, tán tỉnh phụ nữ phổ biến nhưng văn hoá đó không có gì hay ho để khuyến khích hay tung hô. Nhiều nơi đang đấu tranh xoá bỏ những tiêu cực trong văn hoá của chúng ta, thế mà một chương trình kêu gọi vốn đầu tư lại chứa cả một "bể thính", TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Theo bà Hồng, chương trình đưa lên truyền hình phải rất cân nhắc từ những người biên tập, quản lý chương trình phải lưu ý để những "hạt sạn" không tồn tại. Như thế ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức của công chúng nhất là giới trẻ.

"Những người trưởng thành có địa vị xã hội nhất định mà cợt nhả như thế về phụ nữ tôi thấy không hay. Mục tiêu của chương trình là để tìm kiếm những Start-up có triển vọng để đầu tư, nhưng những gì diễn ra trong tập vừa rồi tôi thấy nó chẳng nhằm mục đích tìm sản phẩm tốt, mà đây là tìm người ưa nhìn, hay các cô gái xinh… dẫn đến sai mục đích của chương trình đặt ra. Chưa kể, những lời nói đó rất không phù hợp với chương trình trên sóng truyền hình quốc gia như vậy", bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nêu: "Chúng ta thấy rõ báo chí phản ánh chương trình thấy cách các Shark nói với CEO Start-up nữ với giọng nói rất trịnh thượng, bề trên. Tất nhiên, họ có thể nhiều tuổi hơn, nhiều tiền hơn nhưng như thế không có nghĩa họ có quyền thể hiện thái độ với nữ giới. 

Quấy rối là điều rõ ràng bởi những lời tán tỉnh, thả thính như thế thì ai cũng thấy hàm ý sàm sỡ, cợt nhả,  quấy rối là rõ ràng. Hành vi quấy rối không nhất thiết dùng hành động mà còn qua lời nói cũng thể hiện sự quấy rối rồi".

Bà nêu ý kiến, các Shark xuất hiện trên truyền hình như vậy lẽ ra phải rất chừng mực, tiết chế, nói năng đúng mực phản ánh được điều mình muốn nói nhưng không chứa cả "bể thính" như vậy.

Có ý kiến cho rằng "nhà đài" không cắt những câu "thả thính" trên để tạo độ hot cho chương trình. Tuy nhiên, theo nhận định của TS Khuất Thu Hồng thì "nhà Đài" không cố tình câu view theo cách này, mà có thể ekip sản xuất chương trình không nhận thức rõ đó là sự quấy rối, phân biệt đối xử. 

"Tôi nghĩ những người làm chương trình họ hiểu được tác động sau khi chương trình phát ra rộng lớn thế nào. Tôi mong họ rút kinh nghiệm để những điều như vậy không xảy ra nữa. 

Một khi chương trình đã phát ra rất khó thu lại hoặc đính chính lại. Đó là kinh nghiệm để báo chí nói chung cũng như Đài phát thanh truyền hình nói riêng lưu ý, để không vấp phải những hạt sạn đáng tiếc như vừa qua". 

Gia Khiêm
Theo Dân Việt