Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:30
RSS

Sắp tới sẽ phạt 30 triệu đồng, tước GPLX 12 tháng với tài xế say xỉn?

Thứ sáu, 24/05/2019, 09:47 (GMT+7)

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo nghị định có thể phạt 30 triệu đồng, tước GPLX 12 tháng với tài xế uống rượu bia.

Bộ giao thông vận tải đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Dự thảo có rất nhiều nội dung sửa đổi, trong đó đáng chú ý là sửa đổi tăng nặng hình phạt hành chính và tước giấy phép lái xe với “ma men” điều khiển ôtô, xe máy, báo Công an Nhân dân đưa tin.

Cụ thể, dự thảo nghị định sửa đổi Khoản 11 Điều 5 “Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ” như sau: “11. Phạt tiền từ 26.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Tước GPLX từ 10 tháng-12 tháng); b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ; (Tước GPLX từ 10 tháng-12 tháng); c) Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy”. (Tước GPLX từ 22-24 tháng).

Sắp tới sẽ phạt 30 triệu đồng, tước GPLX 12 tháng với tài xế say xỉn?
CSGT đo nồng độ cồn. Ảnh: Thanh Niên

Đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, ma túy và trong cơ thể có chất ma túy thì tài xế bị phạt tối đa 30 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.

Ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, qua 2 năm thực hiện nghị định 46, có nhiều nhóm vi phạm vẫn diễn ra phổ biến và nguy hiểm song chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Do đó, tổ soạn thảo đã lựa chọn một số hành vi như vi phạm nồng độ cồn, ma túy để điều chỉnh mức phạt.

Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh bày tỏ với VNE băn khoăn về tính khả thi của mức phạt mới, vì phần lớn người vi phạm có mức sống trung bình, nếu phạt cao quá (30 triệu đồng) thì có thể phát sinh tiêu cực với lực lượng xử lý vi phạm.

"Tôi ủng hộ chủ trương tăng mức phạt để tăng tính răn đe với người vi phạm, song mức tăng bao nhiêu thì nên cân nhắc kỹ", ông Thanh nói và đề xuất hình phạt bổ sung lao động công ích với người vi phạm, ví dụ nạo vét ở sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu...

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN