Một biếm họa cho thấy ác mộng của trẻ thơ.
Vụ việc lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục nhất là giáo dục mầm non.
Quá nóng giận nên đánh trẻ?
Sực việc được vợ chồng anh T.V.H. và chị P.T.H. (trú tại xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư) đăng tải lên Facebook kèm những hình ảnh về cháu H. bị đỏ tấy và thâm tím nhiều nơi trên cơ thể. Đặc biệt, có 2 clip ghi lại cảnh được cho là giáo viên của Trường mầm non Ninh Khang đang bạo hành cháu H.
Anh T.V.H. cho biết, vợ chồng anh có con mới 15 tháng tuổi. Gia đình vừa cho cháu đi học tại Trường mầm non Ninh Khang được 2 ngày thì xảy ra sự việc.
Theo đó, vào sáng 10/11, gia đình đưa cháu H. đến trường học. Chiều cùng ngày, khi đón cháu về nhà thì phát hiện trên người cháu có nhiều biểu hiện bất thường như lưng, mông và một số vị trí khác bị đỏ tấy, thâm tím. Sau đó, gia đình đã phản ánh sự việc đến nhà trường.
Vợ chồng anh T.V.H. cũng xem lại camera lớp học và phát hiện con trai của họ không chỉ bị cô giáo bạo hành mà còn bị cô “dọa” cho uống nước bồn cầu trong nhà vệ sinh của lớp học. Quá bức xúc, vợ chồng anh H. đã ghi lại hình ảnh nói trên và đăng tải trên mạng xã hội yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc.
Sau khi được phản ánh, ngày 12/11, cô giáo Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường mầm non Ninh Khang cho biết, nhà trường đã tiến hành xác minh vụ việc, kiểm tra lại video đăng tải trên mạng và kết luận: Tại thời điểm xảy ra vụ việc, lớp học có 2 giáo viên đứng lớp là cô N.T.P.T. (34 tuổi) là người trực tiếp bạo hành trẻ nhỏ và cô B.T.M. (53 tuổi) là người chứng kiến vụ việc nhưng không có động thái can ngăn.
Hiện, Ban Giám hiệu Trường mầm non Ninh Khang đã đình chỉ công tác đối với 2 giáo viên bị tố đánh và dọa cho học sinh uống nước bồn cầu. Các cơ quan chức năng địa phương cũng đã vào cuộc để làm rõ vụ việc.
Theo Hiệu trưởng Trường mầm non Ninh Khang, học sinh bị đánh là cháu H. (15 tháng tuổi). Cháu H. là con trai của anh T.V.H. và chị P.T.H. có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Khi phát hiện giáo viên có hành vi bạo hành trẻ nhỏ, gia đình học sinh đã đưa cháu đi khám tại một cơ sở y tế trên địa bàn. Sau vụ việc, cháu H. có dấu hiệu bị chấn động tâm lý, đến nay vẫn còn nghỉ học.
Cô Bình cho biết thêm, bước đầu qua tường trình, cô N.T.P.T. đã thừa nhận do cháu bé quấy khóc, vì quá nóng giận nên đã không thể hiện “hợp tình hợp lý” với cháu bé. Cụ thể, cô T. đã quá nóng giận, không kiềm chế được bản thân nên trong lúc rửa cơ thể cho cháu H. sau khi cháu đi vệ sinh, đã thể hiện không đúng mực.
Được biết, cô giáo T. vừa được điều chuyển công tác từ một cơ sở giáo dục ở huyện Yên Khánh về Trường mầm non Ninh Khang từ tháng 2/2020. Cô T. có bằng đại học về Giáo dục Mầm non.
Còn Trường mầm non Ninh Khang mới được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2018. Hiện trường có 16 lớp học với khoảng 400 học sinh.
Chuẩn mực người giáo viên
Nhận được thông tin về vụ việc, Phòng GDĐT huyện Hoa Lư đã khẩn trương vào cuộc xác minh. Phòng cũng đã yêu cầu nhà trường tường trình vụ việc để xem xét giải quyết với tinh thần khách quan, minh bạch. Đồng thời nêu rõ quan điểm sẽ xử lý nghiêm vụ việc trên tinh thần không bao che, sai đến đâu xử đến đó.
Với những vụ việc bạo hành trẻ như trên, các chuyên gia tâm lý đã từng nhắc đến rất nhiều, trong đó nhấn mạnh, tác động ảnh hưởng đến trẻ là rất lớn.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Với học sinh THPT, giáo viên tát một cái các em đau, các em có khi mắng chửi lại thầy cô được. Nhưng với học sinh mầm non chưa nói đủ thì có thể sang chấn đến mức về không ngủ được, hôn mê hò hét vào ban đêm, rồi sốt phản vệ… Do đó những cháu bé bị bạo hành này cần phải được theo dõi một thời gian nữa. Điều lưu ý là bây giờ tình trạng trẻ tự kỷ ngày một nhiều hơn.
“Bị bạo hành, ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có tác động rất lớn cần phải cảnh giác. Với những đứa trẻ ở lứa tuổi nhỏ cũng sẽ đeo đẳng lâu dài. Có trường hợp những bạn hồi lớp 1, lớp 2 có thể đến trường nhảy múa hồn nhiên, biểu diễn vui vẻ nhưng càng lên lớp cao lại càng lùi dần, hóa ra là bị mấy anh lớp lớn bắt nạt nhưng bố mẹ không để ý nên không biết. Tính cách rụt rè hẳn, không tự tin không hòa đồng nữa. Khi phát hiện ra thì em đã bị ảnh hưởng rồi” - ông Lâm nói.
Để hạn chế tình trạng bạo hành đối với trẻ em, ông Lâm chia sẻ: Có lần tôi từng nói trên báo chí, nhiều người cứ nghĩ thổi cơm chín ở nhà coi như làm giáo viên mầm non được rồi. Điều này không đúng. Nó phải là chuẩn mực.
Có 3 chuẩn mực rất quan trọng của giáo viên mầm non, đó là người giáo viên phải nhận thức được vai trò của giáo dục mầm non đối với trẻ. Quan tâm, giúp đỡ như thế nào? Phải có quan điểm giáo dục, đây là mầm non nên không thể làm sai được. Điều thứ 2 là giáo viên mầm non phải có lương tâm nghề nghiệp. Tay nghề giáo viên quan trọng nhưng lương tâm giáo viên cũng quan trọng. Có thể chưa giỏi cái này, cái khác nhưng có lương tâm thì sẽ không làm những điều trái. Điều thứ 3, giáo viên mầm non phải có kỹ năng để xử lý các tình huống thường xuyên xảy ra…