Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:04
RSS

Sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki... không phải nộp thuế thay người bán

Chủ nhật, 06/11/2022, 13:32 (GMT+7)

Theo Nghị định 91 mới ban hành, các sàn thương mại điện tử không phải nộp thuế thay người bán, chỉ có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia bán hàng.

Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 30/10.

Nghị định quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Nhóm thông tin này bao gồm tên người bán hàng; mã số thuế/số định danh cá nhân/chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua các chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.

Hoạt động cung cấp các thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau. Các sàn thương mại điện tử sẽ cung cấp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do cơ quan này công bố.

Như vậy, các sàn thương mại điện tử không phải nộp thuế thay người bán, mà chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki... không phải nộp thuế thay người bán

Trả lời trên báo Tiền phong, Ông Nguyễn Thanh Hưng - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam đang nhanh trong những năm qua. Quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD và được dự báo tăng lên 49 tỷ USD vào năm 2025. Mặc dù tăng trưởng khá tích cực, nhưng thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn như: Thanh toán trực tuyến, hoàn tất đơn hàng, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, chênh lệch khoảng cách tiếp cận thương mại điện tử giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật

Trước đó, dự thảo Nghị định 91/2022 quy định sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người bán hàng. Nhiều cơ quan phản đối quy định này.

Cụ thể, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi công văn đến Bộ Tài chính đề nghị xem xét lại nhiều nội dung dự thảo quy định về quản lý sàn thương mại điện tử. VCCI cho rằng, quy định yêu cầu sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay người bán có thể ảnh hưởng tới tính cạnh tranh trong thương mại điện tử, gây trùng lặp về thuế.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng có công văn gửi Bộ Tài chính, góp ý cho dự thảo Nghị định trên. Theo VECOM, việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn, có thể dẫn đến mâu thuẫn với một số quy định hiện hành; đồng thời, tạo thêm gánh nặng cho các sàn thương mại điện tử. Do đó, VECOM đề nghị Bộ Tài chính bỏ quy định này.

Nghị định 91/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 30/10/2022. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế địa phương nghiên cứu tuyên truyền cho người dân kịp thời.

Thúy Vũ (Tổng hợp)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại