Liệu việc uống lá tía tô, ăn dứa giúp dễ đẻ có đúng như đồn thổi?
Mới đây trên một diễn đàn dành cho mẹ và bé, môt bà mẹ trẻ tên P.M đã chia sẻ về quá trình sinh nở của mình. Chị P.M. ( 27 tuổi, Đà Nẵng) cho biết chị sinh bé đầu tiên, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm gì.
Chị bị quá ngày dự sinh 1 tuần mới có có dấu hiệu chuyển dạ. Cơn đau kéo dài từ 9h tối hôm trước đến tận chiều hôm sau khiến chị vật vã, đau đớn.
Chị M cho biết: “Khi thấy mình đau lâu quá không sinh được mẹ mình được người nào đó mách cho uống nước lá tía tô cho dễ đẻ, mình liền được chồng cho uống lá tía tô xay cộng với ăn cháo tía tô. Nhưng dễ đẻ đâu chả thấy chỉ thấy mình bị ra máu rất nhiều, suýt thì băng huyết. Bác sĩ khi biết cũng la quá trời, lúc đó mình mới biết uống lá tía tô còn có thể gây băng huyết. May mà cuối cùng mình cũng mẹ trong con vuông.”
Hình chụp chia sẻ của chị P.M.
Khi chia sẻ của chị M được đăng tải, đã có không ít bà mẹ mang thai giật mình, bởi họ cũng từng nghe truyền miệng thậm chí đã dùng hoặc có ý định áp dụng những kinh nghiệm này.
Trên thực tế không chỉ có chị M mà còn rất nhiều sản phụ khác lầm tưởng rằng uống lá tía tô hay ăn dứa giúp dễ đẻ vì lá tía tô, dứa không khiến cổ tử cung mềm ra và đẻ ít đau hay có tác dụng giảm đau.
Chia sẻ về vấn đề này Ths.Lương y Vũ Đức Trung cho biết, trong Đông y, tía tô còn được gọi là tô diệp, tử tô, tô ngạnh. Loại lá này có tác dụng trị cảm mạo, sốt, ho. . Với phụ nữ có thai, việc dùng tía tô trong vòng 2-3 ngày để chữa cảm cúm rất tốt. Cành tía tô cũng được sử dụng như một vị thuốc an thai.Tuy nhiên, thai phụ vốn thân nhiệt cao, nếu dùng tía tô liều lượng lớn, dài ngày lại gây hại khôn lường đặc biệt là nguy cơ tăng huyết áp vì thế trong Đông y việc này hoàn toàn không được khuyến khích.
Bên cạnh tía tô thì ăn dứa cũng là phương pháp khiến cổ tử cung mềm ra và đẻ ít đau hơn?
Về việc tía tô giúp sản phụ chuyển dạ nhanh chóng, dễ đẻ lương y Trung cho biết trong y văn chưa hề đề cập đến vấn đề này.
Lương y Trung cho biết: "Lời đồn về lá tía tô, dứa khiến cổ tử cung mềm ra và đẻ ít đau hay có tác dụng giảm đau chưa hề được ghi nhận, đây chỉ là một kinh nghiệm dân gian được truyền miệng chưa có kiểm chứng. Việc sinh đẻ dễ hay khó còn phụ thuộc vào cơ địa từng người."
Theo đó, lương y Trung khuyến cáo tía tô là một vị thuốc, mà đã là thuốc thì không thể tự ý sử dụng mà phải có chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt là với phụ nữ mang thai càng phải cẩn trọng hơn, tuyệt đối không nên nghe theo các kinh nghiệm truyền miệng chưa có kiểm chứng kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của cả mẹ và con.
Theo chuyên gia, việc sinh nở dễ hay khó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
Về việc làm sao để quá trình sinh nở nhanh và dễ dàng hơn, Ths.BS Tạ Việt Cường ( Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết việc sinh khó hay dễ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe người mẹ, cân nặng của em bé, phần khung chậu của mẹ lớn hay hẹp, mật độ tử cung…và nhiều yếu tố khác. Việc ăn dứa hay uống lá tía tô không thể giải quyết các vấn đề này.
Theo BS Cường, các kinh nghiệm dân gian có thể đúng với người này nhưng không đúng với người khác nên các mẹ bầu sắp chuyển dạ không nên liều mình áp dụng kẻo ảnh hưởng đến tình trạng của mẹ và bé cũng như gây khó cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán và xử lý các tình huống.
Để cuộc sinh nở dễ dàng hơn, BS Cường khuyên mẹ bầu nên chú ý chăm sóc sức khỏe tốt, vận động tập luyện nhẹ nhàng, dinh dưỡng hợp lý để mẹ không tăng cân quá nhiều và em bé không quá to, thuận lợi cho việc sinh thường.
Ngoài ra trong quá trình sinh nở, nếu quá trình chuyển dạ lâu khiến mẹ quá đau đớn, mất sức thì phương pháp gây tê màng cứng cũng là một gợi ý giúp giảm đau và cuộc “vượt cạn” dễ dàng hơn.
Xem thêm: Chà xát các ngón tay theo cách này, gan thận và dạ dày tự khỏe không tốn 1 xu