Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:19
RSS

Sai lầm khi uống thuốc Đông y, biến thuốc tốt thành 'độc dược' trong tích tắc

Thứ sáu, 23/11/2018, 15:54 (GMT+7)

Các bác sĩ lưu ý bệnh nhân nên dùng thuốc Đông y theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, lương y để tránh những sai lầm có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Sai lầm khi uống thuốc Đông y, biến thuốc tốt thành thuốc độc
Bệnh nhân lưu ý nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, lương y để tránh những sai lầm có thể gây nguy hiểm tính mạng

Cẩn thận khi sắc thuốc

Không như thuốc Tây chỉ việc mua về và uống, thuốc Đông y trước khi uống còn một công đoạn quan trọng là phải sắc (nấu). Sắc thuốc là quá trình giúp các chất có lợi trong thuốc được tiết ra, hòa tan với nhau. 

Tuy nhiên, việc sắc thuốc không hề đơn giản như nhiều người nghĩ, thậm chí nếu sắc không đúng, không chính xác có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Nên dùng ấm bằng đất nung hoặc bằng sứ, không nên dùng ấm bằng kim loại kể cả nhôm, đồng để sắc thuốc bởi vì trong các vị thuốc có rất nhiều các hoạt chất hữu cơ dễ bị kim loại phân hủy đặc biệt là tanin, sẽ làm biến đổi các hoạt chất của thuốc, đôi khi còn có thể gây độc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng thuốc.

Mỗi bài thuốc, vị thuốc có cách sắc khác nhau. Do vậy bệnh nhân lưu ý nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, lương y. Nếu không sẽ làm mất tác dụng của thang thuốc trị liệu bênh khiến kéo dài bệnh làm suy kiệt sức khỏe của người bệnh.

Trong quá trình sắc thuốc, các loại thuốc có tính phát tán, công hạ dùng chữa bệnh ngoại cảm, phong hàn nên sắc 2 lần, dùng lửa lớn và sắc nhanh trong khoảng 10-20 phút. 

Một số vị thuốc có cách sắc khác nhau: các thuốc là khoáng vật cần sắc trước, các thuốc có nhiều tinh dầu như gừng, bạc hà, tía tô... nếu sắc lâu cho vào từ đầu sẽ làm cho bay tinh dầu khiến mất tác dụng của thang thuốc dẫn đến bệnh không thuyên giảm có nặng hơn ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Hoặc một số thuốc quý như nhân sâm, linh chi, sừng tê giác... cần sắc riêng rồi phối hợp vào nước thuốc đã sắc. Các loại cao thuốc, a giao, mật ong... sau khi chắt nước thuốc hòa với các vị trên uống khi còn nóng. Nếu không làm như vậy mà sắc chung từ đầu sẽ làm không đủ hàm lượng của các vị ấy trong một thang thuốc khiến giảm công hiệu của thang thuốc dẫn đến bệnh nặng hơn hoặc lâu khỏi.

Nên dùng nước sạch như nước máy, nước giếng, nước mưa hoặc nước cất để sắc thuốc sẽ đạt hiệu quả cao. Không nên dùng nước sôi sắc thuốc bởi khá nhiều hoạt chất có trong dược liệu là các protein hoặc tinh bột, nếu gặp nhiệt độ cao đột ngột có thể bị đông cứng hoặc biến dạng làm ảnh hưởng đến việc chiết xuất các thành phần hữu hiệu khác. 

Sai lầm khi uống thuốc Đông y, biến thuốc tốt thành thuốc độc
Khi uống thuốc không nên ăn thực phẩm có nhiều dầu mỡ sẽ làm giảm quá trình hấp thu của thuốc

Những thực phẩm cần kiêng kỵ khi uống thuốc Đông y

Trong quá trình uống thuốc cần kiêng kỵ một số thực phẩm để nâng cao hiệu quả của thuốc. Ví dụ, một số loại thực phẩm như đậu xanh, giá đỗ, rau cải xanh giảm mất tác dụng của thuốc vì vậy khi uống thuốc Đông y nên kiêng.

Một số vị thuốc tương kỵ với một số thức ăn như: thuốc có hà thủ ô đỏ kiêng ăn cá không vẩy như lươn, trạch, cá trê... Kiêng thịt chó khi uống thuốc có cát cánh, cam thảo, hoàng liên, ô mai. Kiêng ba ba khi uống thuốc có bạc hà, kiêng dấm khi uống thuốc có phục linh. Kiêng chè khi uống có thổ phục linh. Kiêng thịt lợn khi thuốc có ké đầu ngựa.

Những người tỳ vị hư hàn hoặc uống thuốc ôn thông kinh lạc, khử hàn trừ thấp, kiện tỳ noãn vị không nên ăn các thức ăn sống lạnh.

Những người mắc bệnh âm hư hỏa động: Đại nhiệt, háo khát uống nước hoàn dương để dưỡng âm tăng dịch, hoặc thuốc thanh nhiệt lương huyết không được ăn các thức ăn cay nóng.

Khi uống thuốc không nên ăn thực phẩm có nhiều dầu mỡ, thường trợ thấp sinh đờm, làm giảm quá trình hấp thu của thuốc.


Xem thêm: Bác sĩ sát hại vợ rồi phi tang

BS Hoàng Xuân Đại
Theo Đời sống Plus/GĐVN