Thứ sáu, 19/04/2024 | 01:20
RSS

Bác sỹ Đông y chỉ cách đánh bay mụn nhọt bằng rau răm hiệu quả

Thứ ba, 14/11/2017, 12:07 (GMT+7)

Nhắc đến rau răm, người ta thường nghĩ nó là một loại rau gia vị ăn kèm, là phụ liệu cho các món ăn, nhưng ít ai biết rằng chúng có rất nhiều công dụng chữa bệnh trong đó có trị mụn nhọt.

rau răm trị mụn nhọt
Rau răm không chỉ là một loại rau gia vị mà còn có công dung chữa bệnh trong đó có trị mụn nhọt

Rau răm hay còn gọi là thủy liễu, có hương thơm đặc biệt, vị cay tính ấm, có tinh dầu và là một loại gia vị được sử dụng phổ biến trong chế biến thức ăn như: cháo lươn, trứng vịt lộn, cơm hến...

Theo Bác sỹ Chu Đức Chung (Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương), trong Đông y, rau răm là vị thuốc có tác dụng chống viêm hạ khí, kích thích tiêu hóa, trừ phong hàn, hoạt huyết tiêu độc, sát trùng.

Rau răm dùng được cả lá, cây, có thể dùng riêng hoặc phối hợp cùng những vị khác thành các bài thuốc. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô, giã sống vắt lấy nước uống, bã đắp. Dùng khô sắc uống. Rau răm không độc. Rau răm được sử dụng trong dân gian để trị các bệnh: Bụng đầy trướng tiêu hóa trì trệ, cảm cúm hắt hơi sổ mũi, chữa rắn cắn, đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh, trị mụn nhọt...

Bác sỹ Chu Đức Chung (Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương) cũng cho biết, nhờ tác dụng chống viêm, hoạt huyết tiêu độc, sát trùng mà rau răm có khả năng đánh bay mụn nhọt hiệu quả. Bác sỹ Chung cũng chỉ ra cách đơn giản nhất để trị mụn nhọt bằng rau răm. Đó là dùng 1 nắm rau răm trộn với vài hạt muối, đem giã nhỏ, đắp vào nhọt rồi băng lại, ngày thay thuốc 1 lần. 

Tuy nhiên Bác sỹ Chung cũng nhấn mạnh đây là cách trị mụn trên cơ thể còn với mụn trên mặt thì cần thận trọng khi sử dụng bất cứ sản phẩm nào, cho dù là nguồn gốc thiên nhiên cũng vậy, vì da mặt mỏng hơn các phần da khác trên cơ thể.

Dưới đây là một số cách trị mụn nhọt trên mặt với rau răm

Kết hợp rau răm và muối

rau răm trị mụn nhọt rau răm và muối
Trị mụn nhọt  bằng cách kết hợp rau răm và muối

Rất đơn giản, hãy lấy một ít rau răm tươi, đem ngâm rửa sạch với nước muối loãng cho thật sạch. Sau đó, để ráo nước rồi cho vào cối, thêm một ít muối sạch đem giã nát, chắt lấy nước cốt rồi bôi lên vùng da cần điều trị mụn. Lưu lại mặt nạ trị mụn tự nhiên này trên da khoảng 15-20 phút thì rửa sạch bằng nước mát. Thực hiện đều đặn 2 lần mỗi tuần.

Kết hợp rau răm và dưa chuột

trị mụn nhọt bằng rau răm và dưa chuột
Trị mụn nhọt bằng cách kết hợp rau răm và dưa chuột

Không quá cầu kì, việc cần làm là rửa sạch 2 thứ này, sau đó đem xay ép lấy nước. Trộn 2 thứ nước ép này lại với nhau theo tỉ lệ 1:1. Làm sạch da xong, thoa một lớp mỏng dung dịch này lên chỗ bị mụn. Đợi khoảng 20 phút cho đến khi lớp mặt nạ này khô thì rửa lại bằng nước mát là được. Thực hiện 2-3 lần mỗi tuần.

Kết hợp rau răm và chanh tươi

rau răm trị mụn nhọt rau răm và chanh
Trị mụn nhọt bằng cách kết hợp rau răm và chanh

Chỉ cần ép rau răm lấy nước sau khi đã rửa sạch, thêm vài giọt nước cốt chanh tươi khuấy đều rồi bôi lên những nốt mụn. Đợi một lúc khoảng 20 phút thì rửa lại bằng nước mát là xong. Tuy nhiên, cách này cũng nên áp dụng thường xuyên 2 lần mỗi tuần.

Trên đây là những phương pháp trị mụn từ thiên nhiên vừa đơn giản, tiết kiệm lại an toàn cho da song cần phải kiên trì thực hiện mới thu được hiệu quả như ý. Tuy nhiên, theo Bác sỹ Chu Đức Chung, khi dùng các phương pháp trị mụn từ rau răm, khi đắp lên mặt không được để quá 20 phút vì dễ khiến da mặt bị kích ứng, mẩn đỏ. Ngoài ra, để loại trừ khả năng kích ứng gây ngứa da cần thực hiện thử trên một vùng da khác dày hơn trước khi đắp lên mặt.

Bên cạnh đó, Bác sỹ Chung cũng lưu ý rằng phương pháp này có thể dùng cho tất cả các trường hợp mụn nhọt, áp-xe đang ở giai đoạn đầu. Trong từng trường hợp với mức độ mụn nặng nhẹ và tùy thuộc vào loại da, cơ địa mỗi người mà cho kết quả cũng khác nhau.

Khanh Lê
Theo Đời sống Plus/GĐVN