Peyton học trực tuyến thông qua robot PAVS.
Peyton 10 tuổi, dáng gầy, mắt xanh biếc và rất yêu chim bồ câu. Em là hội viên của hội bảo vệ động vật hoang dã của địa phương. Trường của Peyton nằm tại quận Montgomery County (Mỹ), cách trung tâm trị liệu ung thư 250 dặm, nơi em đang được xạ trị một loại ung thư hiếm. Trong nhiều tuần liền, robot PAVS (Peyton’s Awesome Virtual Self) đã thay mặt Peyton dự lớp với vai trò trung gian kết nối chủ nhân của nó và lớp học vì em quá yếu để tự mình đến lớp.
Thông qua robot, Peyton tham gia các hoạt động hàng ngày với bạn bè, trò chuyện với thầy cô, đi dạo trong lớp và khuôn mặt tại bệnh viện của em được hiển thị sống động trên màn hình chiếc iPad gắn trên đỉnh cỗ máy chuyển động tròn có trọng lượng khoảng 7 kg và cao 1,2m.
“Em yêu Toán và Khoa học, nhờ robot em không bỏ sót một tiết học nào mà mình yêu thích. Nó giúp em duy trì được việc học và thấy mình vẫn bình thường như các bạn bè khác. Việc học tập và giao tiếp với lớp không hề thay đổi. Nhờ robot, em không bị cách ly khỏi các hoạt động của trường. Việc chữa bệnh của em không bị ảnh hưởng nhiều vì em và bạn bè cùng tuổi với mình luôn ở bên nhau”, Peyton bộc bạch trên giường bệnh.
Những gì Peyton được thụ hưởng là nhờ một chương trình mang tính tiên phong của bang do các viên chức giáo dục tại Montgomery County tiến hành. Họ đã nghiên cứu sử dụng robot thế thân cho học sinh bị bệnh nan y từ vài năm qua và nay quyết định thử nghiệm tại các lớp học.
Sau khi kết thúc cuộc thử nghiệm, chương trình sẽ được đúc kết ưu - khuyết điểm để giúp cải tiến công nghệ robot trong giáo dục. Robot thử nghiệm tại các trường công của bang Maryland cũng nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý giáo dục thuộc các bang khác của Mỹ.
Dù không đến trường, Peyton vẫn được gặp cô giáo và các bạn thông qua robot PAVS.
Tại Trường Tiểu học Poolesville Elementary, cả học sinh lẫn giáo viên đều thích thú với người bạn mới PAVS. Nó gồm một Segway với chân đế xoay tròn để đi lại và chiếc iPad gắn phía trên để hiển thị chủ nhân trên màn hình. Khi bạn bè vẫy tay chào trước màn hình iPad, Payton cũng vẫy tay chào lại dù em ở cách xa hàng trăm dặm. Rõ ràng, PAVS là cầu nối tuyệt vời giữa Peyton và lớp học.
Bà Lynn Schaeber, mẹ của Peyton, cho biết robot quan trọng đối với con gái bà hơn là những gì bà nghĩ. Peyton có thể tìm kiếm, học bài, viết thư và tiếp xúc với thầy cô, tùy thích. “Quan trọng hơn là robot giúp Peyton ý thức là nó không bao giờ bị cách ly khỏi cộng đồng. Bạn bè, thầy cô và những mối quan hệ vẫn ở gần bên nó. Nói chung là Peyton có thể làm tất cả những gì mà một học sinh bình thường vẫn làm. Cũng thức dậy đi học và cũng làm bài tập về nhà” – bà nói.
Các bác sĩ điều trị cho Peyton ở Washington và New York cho biết, PAVS là cuộc thử nghiệm đầu tiên họ thấy trong lĩnh vực robot phục vụ học tập ngay tại lớp học và trong “thời gian thực”. Công ty Double Robotics, cha đẻ của PAVS đã bán được hơn 5.000 “robot điều khiển từ xa trong thời gian thực” (telepresence robot), nhưng đa số được dùng trong thế giới doanh nghiệp.
Bà Sara Broyles, phát ngôn viên của công ty, cho biết, hiện có khoảng 350 trường học ở Mỹ đã mua loại robot này từ công ty của bà. Tại Long Island, một robot thế thân một học sinh đang hồi phục sau ca phẫu thuật cấp cứu đã giúp em không bị mất một tuần học tập quan trọng tại Trường Long Island School dành cho những học sinh năng khiếu.
Satyandra K. Gupta, Giám đốc Trung tâm Khoa học robot Maryland tại Đại học Maryland, nói: “Dù công nghệ robot trong giáo dục đang tiếp tục phát triển và cải tiến với các ứng dụng khác nhau nhưng robot điều khiển từ xa trong thời gian thực đã được chấp nhận tại nhiều trường học.
Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là chấp nhận công nghệ mà chúng ta còn phải xem xét lại giá bán của robot (PAVS giá 3.000 USD) và phải bảo vệ sự riêng tư khi sử dụng đại trà chúng. Nếu bạn để robot lang thang tự do tại các hành lang thì nó có thể làm phát sinh những vấn đề chưa lường hết được. Đây là một trong những thách thức về ứng dụng công nghệ mới mà chúng ta phải nghĩ đến”.
Trong tương lai gần, những học sinh không thể đến lớp một thời gian dài vì Covid không còn sợ bị chúng bạn bỏ xa về bài vở. Các bậc cha mẹ cũng bớt lo lắng hơn về lực học của con cái. Các bác sĩ xác định khối u nhỏ bằng hạt nho chính là dạng ung thư sarcoma gan hiếm khiến Peyton chỉ có cơ may sống sót từ 3 - 50%. Khi gia đình sắp xếp kế hoạch trị bệnh cho Peyton, bà Schaeber bắt đầu nghĩ về việc gián đoạn học tập của con gái. “Lập tức tôi biết là mình cần một công nghệ hỗ trợ nào đó để con bé có thể duy trì việc học tập trong suốt thời gian điều trị” – bà nói.
Schaeber từng nghe nói về 2 robot “thế thân” tại New Jersey và bà thấy đây là đáp án hoàn hảo cho con gái. “Dù không biết chắc con bé còn sống được bao lâu nữa, nhưng ưu tiên của tôi vào lúc này là làm sao để nó có được cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác” – bà tâm sự. Robot PAVS có giao tiếp video để giáo viên có thể thấy học sinh và các em nghe được bài giảng, thấy cảnh quan lớp học. Như vậy, Peyton vẫn là thành viên của lớp trong thời gian thực và em có thể thảo luận nhóm, trả bài từ bệnh viện. PAVS đi lại sẽ cho cô thấy quang cảnh trong lớp và bên ngoài.
Valaree Dickerson, ủy viên thị trấn Poolesville, nói: “Tin buồn về Peyton lan nhanh và cộng đồng nhỏ 5.500 người muốn tham gia giúp đỡ gia đình cô bé đáng yêu”. Họ quyên góp bằng nhiều sáng kiến khác nhau như đi xe hai bánh từ thiện, bán hàng tồn kho và các quyên góp khác, kể cả trong tiệc sinh nhật học sinh.
Chủ tịch Hội Bảo vệ động vật (PTA) của trường, bà Rebecca Munster tìm mọi cách để mua cho Peyton một robot thế thân và công sức của cộng đồng đã được đền đáp. Doug Robbins, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Poolesville còn nhớ rất rõ đôi mắt của Peyton sáng lên khi lần đầu em nhìn thấy con robot của mình. Lúc đó, tóc cô bé đã rụng nhiều do hóa trị nên phải đội nón len. Ngồi tại chiếc bàn ở nhà sau đợt hóa trị thứ 6, Peyton bắt đầu dự lớp như bao đứa trẻ bình thường khác.