Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:58
RSS

Rau lang - "sâm nam" cực tốt nhưng bị nhiều người bỏ đi vì không biết

Thứ năm, 30/11/2017, 10:22 (GMT+7)

Rau lang là loại rau dân dã vừa ngon, vừa mát, vừa bổ và được dân gian ví như "sâm nam". Nhưng rất nhiều người vô tình bỏ đi mà không hề biết nó cực kỳ tốt cho sức khỏe.


Rau lang được mệnh danh là "sâm nam" nhưng nhiều người không biết nên vô tình bỏ qua.

Lá khoai lang là loại rau dân dã vừa ngon, vừa mát và bổ. Theo Đông y, khoai lang có nhiều tên như: cam thử, phiên chử. Rau lang có tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn, thận âm bất túc. Loại rau này phát huy tác dụng tốt về mặt chữa bệnh, dễ tiêu hóa khi mà chúng ta làm món luộc, vừa tận dụng được nước rau, và lại dễ chế biến. Chính vì vậy, trong dân gian, rau lang còn được ví như "sâm nam".

Còn theo y học hiện đại, rau lang là rau có nhiều dinh dưỡng, thậm chí, hàm lượng dinh dưỡng trong rau lang còn tốt hơn trong củ khoai lang rất nhiều: Vitamin B6 trong lá khoai lang cao gấp 3 lần trong củ khoai, vitamin C cao gấp 5 lần, viboflavin cao gấp 10 lần...

Không chỉ vậy, trong rau lang còn rất giàu chất diệp lục giúp làm sạch máu, loại bỏ độc tố trong cơ thể. Đặc biệt, trong rau lang có chứa một loại protein độc đáo có khả năng chống lại sự oxy hóa đáng kể. Loại protein này có khoảng 1/3 hoạt tính chống oxy hóa của glutathione một trong những chất quan trọng có vai trò trong việc tạo các chất chống oxy hóa trong cơ thể ta.


Rau lang xào tỏi là món ăn ngon, dân dã.

Dưới đây là cách dùng lá rau khoai lang trị bệnh

- Trị mụn: Lá khoai lang giúp hút mủ nhọt đã vỡ bằng cách dùng lá khoai lang non, đậu xanh, thêm chút muối và giã nhuyễn, bọc vào  vải đắp vào vết mụn.

- Quáng gà: Lá khoai lang non xào gan gà hoặc gan lợn.

- Thiếu sữa: Lá khoai lang tươi non 250 g, thịt lợn 200 g thái chỉ. Xào chín mềm, thêm gia vị.

- Thận âm hư, đau lưng mỏi gối: Lá khoai lang tươi non 30 g, mai rùa 30 g, sắc kỹ lấy nước uống.

- Phụ nữ băng huyết: Rau lang tươi một nắm giã nát, lấy nước cốt uống.

- Nhuận tràng: Rau lang tươi luộc chín có tác dụng nhuận tràng. Rau lang có vị ngọt, mát, nhờ chứa nhiều chất xơ nên giúp nhuận tràng rất hay. Lá rau lang còn chứa chất nhựa tẩy khoảng 1,95% – 1,97% nên có tác dụng nhuận trường.

- Trị buồn nôn, ốm nghén: Trong rau lang chứa nhiều vitamin B6, có tác dụng giảm buồn nôn đối với phụ nữ mang thai trong thời kỳ đầu (thường bị ốm ghén), hoặc hay nôn ọe, ăn uống không ngon hoặc chán ăn.

- Tốt cho người mắc bệnh tiểu đường: Trong các bữa ăn của người bệnh tiểu đường, nên thường xuyên dùng món rau lang luộc. Lá rau lang có đặc tính giảm đường huyết. Nên dùng rau, không dùng củ vì củ chứa nhiều tinh bột. Ngoài ra, đọt rau lang đỏ có chứa một chất gần giống insulin, ở lá già không có chất này. Vì thế, người bị bệnh tiểu đường có thể dùng đọt rau lá non cây khoai lang để ăn.

- Thanh nhiệt, giải độc: Trong những ngày trời nắng nóng, hoặc cơ thể đang bị nhiệt (nóng), nên dùng rau lang trong bữa ăn, vì rau lang có tính thanh nhiệt, làm mát.

Tuy nhiên cần lưu ý khi ăn rau khoai lang như không nên dùng khoai lang (củ và rau) lúc quá đói vì khi đó đường huyết đã thấp, lại làm hạ thêm gây mệt mỏi. Để nhuận tràng (chữa táo bón) thì dùng rau lang tươi luộc chín, không dùng rau lang còn sống vì sẽ có tác dụng ngược lại là gây táo bón.

Cũng không nên dùng rau lang quá nhiều mà nên dùng xen kẽ với những loại rau khác. Không ăn thường xuyên rau lang vì chứa nhiều calci có thể gây sỏi thận. Nên ăn kèm đạm động vật, thực vật để cân bằng thành phần dưỡng chất. Khi luộc rau lang để ăn và chữa bệnh, nên lấy nước thứ hai vì nước thứ nhất thường vị chát và hăng.

PV (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN