Thứ bảy, 07/09/2024 | 16:56
RSS

Quyền Cục trưởng Cục Thú y nói gì sau vụ chó pitbull cắn chết cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước?

Thứ hai, 25/07/2022, 15:22 (GMT+7)

Quyền Cục trưởng Cục Thú y gửi lời chia buồn tới gia đình có cháu bé không may bị chó pitbull cắn chết. Đây là trường hợp rất đau lòng, không ai mong muốn nhưng đã xảy ra.

Sự kiện:
Bình Phước

Liên quan đến vụ việc cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước bị chó pitpull cắn tử vong, ngày 25/7, ông Nguyễn Văn Long - quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân trí về các quy định nuôi chó pitbull tại Việt Nam và các chế tài xử phạt khi để xảy ra sự việc chó cắn chết người.

Tại cuộc trao đổi, ông Long gửi lời chia buồn đến gia đình có cháu bé không may bị chó pitbull cắn chết. Theo ông Long, đây là trường hợp rất đau lòng, không ai mong muốn nhưng đã xảy ra.

Về vấn đề chủ của con chó pitbull cắn chết cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước sẽ bị xử lý như thế nào, quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP và Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, chủ vật nuôi có chó cắn chết người do không đeo rọ mõm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính là 1 – 2 triệu đồng cho hành vi "Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó".

Ngoài ra, do sự việc nghiêm trọng, chó cắn chết người, nên các cơ quan chức năng của địa phương có thể căn cứ quy định của Bộ luật dân sự (Điều 603), Bộ luật Hình sự (Điều 295) để xem xét và có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.

Về loài chó pitbull, quyền Cục trưởng Cục Thú y thông tin, đây là một giống chó nhà có nguồn gốc từ châu Mỹ được nuôi ở nhiều quốc gia để làm vật giữ nhà, chó cũng được sử dụng trong những cuộc chọi chó. Pitbull là giống chó dữ, hiếu chiến, bền bỉ, gan lì, được mệnh danh là sát thủ máu lạnh hay còn được gọi là chó chiến binh, võ sĩ giác đấu.

Tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, người dân nuôi chó pitbull như một thói quen, sở thích, thậm chí nhiều người coi chó pitbull là những người bạn thân trong gia đình hoặc nuôi vì nhiều mục đích khác nhau.

Tuy nhiên, việc nuôi và quản lý chó cần phải được thực hiện nghiêm túc theo các quy định đã rất rõ ràng, cụ thể cho từng loài chó nuôi. Đã có quy định không để chó chạy rông, không đưa chó ra ngoài nơi công cộng mà không có rọ mõm và phải có người dắt chó phù hợp với số lượng, loại chó, cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

Cục trưởng Cục Thú y nói gì sau vụ chó pitbull cắn chết cháu bé 8 tuổi ở Bình Phước

Pitbull là giống chó dữ,được mệnh danh là sát thủ máu lạnh. Ảnh minh họa

Cũng theo ông Long, tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp chó pitbull tấn công người, và hậu quả để lại thường rất nặng nề, có người đã chết hoặc bị thương tích nặng do bị loài chó này tấn công, trong đó có cả trẻ em.

Trước thực trạng này, nhiều năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)  đã có nhiều chỉ đạo các địa phương cần chấn chỉnh, đặc biệt trong công tác quản lý đàn chó, nuôi các giống chó hung dữ, cũng như trong phòng, chống bệnh dại.

Cụ thể, đối với quản lý chó nuôi, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản, cụ thể tại điểm b, tiểu mục 2.1, mục 2 (quản lý nuôi chó) Phụ lục 15 của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) đã quy định rất rõ nội dung và trách nhiệm đối với chủ nuôi "Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh".

Tại Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030" đã quy trách nhiệm chủ nuôi chó "cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định".

Ngày 05/01/2022, Bộ NN&PTNT tiếp tục có Công văn số 17/BNN-TY về việc tổ chức triển khai Chương trình  quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2030; theo đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình.

Ngoài ra, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, chỉ đạo các địa phương tổ chức quản lý đàn chó, triển khai các nhiệm vụ phòng, chống bệnh Dại; Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Lãnh đạo Cục Thú y nhấn mạnh, hiện nay các văn bản quy định, chỉ đạo đã rất cụ thể. Vấn đề chính là công tác tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương, nhất là tuyến cơ sở cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những nội dung làm được, chưa làm được, đặc biệt là công tác quản lý đàn chó, công tác phòng, chống bệnh dại để có giải pháp khắc phục.

Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, chó phải được nuôi nhốt, xích và phải được đeo rọ mõm, nhất là đối với những giống chó to lớn, hung dữ như chó Pitbull.

Trước đó, như báo chí đã đưa tin, ngày 23/7, trên địa bàn huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước xảy ra vụ việc cháu bé 8 tuổi bị chó pitbull cắn tử vong. Nạn nhân là cháu P.N.T.T. (8 tuổi, ngụ ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú).

Theo thông tin ban đầu, khoảng 17h ngày 22/7, cháu T. qua nhà bà Lê Thị Liên (bà nội cháu T., ngụ ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến) chơi. Thời điểm này, có một con chó pitbull nặng khoảng 30kg được xích phía sau nhà. Khi bà Liên đang ở phía trước, cháu T. một mình đi ra sau nhà chơi thì bất ngờ bị con chó pitbull tấn công, cắn liên tiếp vào tay và cổ cháu. Nghe tiếng la của cháu T. người nhà chạy đến đuổi con chó đi và đưa cháu T. đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên cháu đã tử vong sau đó do vết thương quá nặng.

Một số người dân cho biết, con chó pitbull trên không phải chó nhà bà Liên nuôi, mà của nhà hàng xóm. Những ngày gần đây, chủ con chó đi vắng nên bà Liên đem nó về xích sau nhà để chăm sóc giùm, không may xảy ra vụ việc đau lòng.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại