Thứ sáu, 26/04/2024 | 13:21
RSS

Phụ nữ cần làm gì để ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung?

Thứ năm, 24/09/2020, 12:00 (GMT+7)

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt đối với những người trong độ tuổi 30 trở lên. Vậy cần phải làm gì để ngăn ngừa căn bệnh này?

Sự kiện:
ung thư

Phụ nữ cần làm gì để ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính đến năm 2030, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung dự kiến sẽ tăng lên 443.000 người trên toàn cầu và trở thành loại ung thư nguy hiểm, cao thứ 2 sau ung thư vú. Tại Việt Nam căn bệnh này đang có dấu hiệu trẻ hóa “thần tốc” về độ tuổi.

Theo báo cáo “Kế hoạch hành động quốc gia về Dự phòng và Kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025” của Bộ Y tế cho biết, có đến 80% phụ nữ Việt Nam có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ít nhất một lần trong đời. Tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%.

Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính của tế bào gai hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung, hình thành khi các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường, tạo ra khối u trong cổ tử cung, nhân lên vô kiểm soát và xâm lấn khu vực xung quanh, thậm chí di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung

Virus HPV là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (chiếm 99,7%), lây truyền qua đường tình dục. HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18. 

Khi bị nhiễm HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ được kích hoạt để chống lại sự lây nhiễm này. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể cũng phòng vệ thành công, trong trường hợp bị nhiễm HPV nguy cơ cao, chúng ta sẽ có khả năng bị ung thư trong tương lai.

Virus HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm cả âm đạo, hậu môn và thậm chí quan hệ tình dục bằng miệng và tay.

Biểu hiện và biến chứng có thể gặp phải khi mắc bệnh ung thư cổ tử cung

Khi có các biểu hiện như: ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu; ra máu âm đạo bất thường; ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục; đau tức vùng bụng dưới;… cho thấy dấu hiệu của ung thư cổ tử cung cần đến viện ngay.

Ung thư cổ tử cung nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng hơn, gây ra các biến chứng trầm trọng (vô sinh, suy thận, ảnh hưởng sức khỏe và tình thần, chảy máu…) do kết quả của u xâm lấn đến các cơ quan lân cận.

Các biện pháp giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi được nếu phát hiện kịp thời. Chính vì vậy, chị em phụ nữ cần thực hiện tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa trong đó có ung thư cổ tử cung để chữa trị kịp thời. Nếu bệnh càng tiến triển thì việc chữa trị càng trở nên khó khăn. 

Bên cạnh đó, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, nữ giới nên sử dụng các biện pháp tự bảo vệ khi quan hệ tình dục, luôn giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ vào các thời điểm nhạy cảm, chẳng hạn như trong kỳ hành kinh, sau kỳ kinh, sau khi vận động thể lực, sau khi quan hệ tình dục, xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý…

Phụ nữ cần làm gì để ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung

Lối sống và chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh

Nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn uống lành mạnh giàu trái cây và rau quả, duy trì cân nặng khỏe mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Điều này có thể là do một lối sống lành mạnh tối ưu hóa chức năng hệ thống miễn dịch và làm giảm tác động của những thay đổi gây ra ung thư trong cơ thể.

Bên cạnh đó, nghiên cứu từ Nam Mỹ cho rằng chất curcumin, một loại gia vị có đặc tính chống oxy hóa, có thể cho thấy khả năng ức chế ung thư cổ tử cung. Chất chống oxy hóa là những chất tự nhiên mà chúng ta có được từ một số loại thực phẩm (đặc biệt là trái cây và rau quả) giúp chống lại các bệnh như ung thư.

Ngoài ra, một số thói quen lối sống khoa học và lành mạnh cũng có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm vi-rút HPV và thậm chí có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung nếu bạn đã bị nhiễm vi-rút.

Vacccine

Nhiễm vi-rút HPV 16 và 18 chiếm khoảng 70% của tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung, cũng như tỷ lệ cao của ung thư hậu môn, dương vật, vùng đầu và cổ. 20% các trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến HPV 31, 33, 34, 45, 52 và 58. Các chủng HPV nguy cơ thấp như HPV 6 và 11 thường không gây ung thư nhưng có thể dẫn đến sự phát triển của mụn cóc sinh dục 

Vacccine chống lại HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 được khuyến nghị cho những người trong độ tuổi từ 9 đến 45 chưa bắt đầu hoạt động tình dục để ngăn ngừa nhiễm trùng mới và lây lan HPV. Tuy nhiên, bạn có thể tiêm vaccine nếu bạn có quan hệ tình dục ở độ tuổi này mà chưa bị nhiễm HPV.

Sử dụng bao cao su

Sử dụng bao cao su thường xuyên và đúng cách khi quan hệ tình dục có thể giúp ngăn ngừa nhiễm HPV. Do vi-rút lây lan qua sự tiếp xúc giữa da với da của bộ phận sinh dục, bao cao su có thể làm giảm khả năng lây nhiễm bằng cách thêm một hàng rào bảo vệ. Tuy nhiên bao cao su không đảm bảo hoàn toàn chống lại vi-rút, vì tiếp xúc với vi-rút vẫn có thể xảy ra ngay cả khi sử dụng.

Ngưng hút thuốc

Không hút thuốc làm giảm nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung, mặc dù hút thuốc không liên quan đến việc bạn có bị nhiễm virut HPV hay không. Hút thuốc, có liên quan đến nguy cơ ung thư cổ tử cung tăng gấp 14 lần, tăng tốc độ loạn sản cổ tử cung (tế bào tiền ung thư) ở những phụ nữ bị nhiễm virut HPV. Hút thuốc cũng làm suy giảm chức năng miễn dịch toàn diện khiến khả năng chống lại các loại vi-rút như HPV, cũng như ung thư bị suy giảm.

Bạn tình

Quan hệ tình dục với nhiều đối tác khác nhau làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Tất nhiên, có thể bị nhiễm vi-rút ngay cả khi bạn chỉ có một đối tác nếu họ đã tiếp xúc với vi-rút bởi các đối tác khác.

Hầu hết, phụ nữ không biết rằng họ bị nhiễm vi-rút cho đến khi phát hiện ra những thay đổi ở cổ tử cung và đàn ông thường không biết rằng họ có mang vi-rút. Đó chỉ là một lý do tại sao kiểm tra sức khỏe thường xuyên có vai trò quan trọng.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN