Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:43
RSS

Phụ huynh, sinh viên lo lắng trước thông tin nhiều trường đại học tăng học phí gấp 3,5 lần sau năm 2021

Thứ sáu, 20/11/2020, 18:16 (GMT+7)

Nếu phương án tự chủ tài chính với các trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thông qua thì rất có thể phụ huynh, học sinh sẽ phải chịu mức học phí hàng trăm triệu đồng/năm học. Điều này đã gây ra không ít lo lắng, băn khoăn cho các phụ huynh, sinh viên khi không đủ sức "gánh" học phí.

Học phí sẽ tăng sau năm 2021?

Bộ giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Điểm đáng chú ý của dự thảo này là mức học phí sẽ tăng từ năm học 2021-2022. Do nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề xuất trình Thủ tướng xin giữ nguyên học phí của năm học tới như năm học 2020-2021. Tuy nhiên, nếu được thông qua, từ năm học 2022-2023, các trường đại học (ĐH) sẽ chính thức áp dụng mức tăng học phí theo quy định mới này.

Nghị định mới chia học phí thành 4 mức gắn với mức độ tự chủ và học phí trần. Cụ thể, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước từ 1,25-2,45 triệu đồng/tháng.

Phụ huynh, sinh viên lo lắng trước thông tin nhiều trường đại học tăng học phí gấp 3,5 lần sau năm 2021

Học phí tăng là gánh nặng lớn với nhiều sinh viên, nhất là các sinh viên theo học các chuyên ngành có nhiều giờ thực hành.

Các cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước (tự chủ mức 1), mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí được quy định.

Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH trong nước (tự chủ mức 2), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí.

Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và được tự chủ, đạt kiểm định chương trình đào tạo trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc kiểm định chất lượng quốc tế (tự chủ mức 3), được tự xác định học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật và thuyết minh trong phương án tự chủ tài chính trình cơ quan chủ quản phê duyệt.

Như vậy, với dự thảo học phí này, mức học phí của sinh viên sẽ tăng mạnh, đạt mức trung bình đến hàng trăm triệu đồng ở mức tự chủ thứ 3.

Phụ huynh, học sinh lo "không trụ nổi"

Những ngày đầu năm học, nhiều trường ĐH trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã đưa ra thông báo về mức học phí dự kiến tăng trong năm học sắp tới. Hầu hết, mức học phí của các trường được điều chỉnh theo hướng tăng khiến dư luận bất ngờ, lo lắng đặc biệt và bậc phụ huynh và các sinh viên.

Em Nguyễn Diệu Linh (sinh viên năm 2, ĐH Kinh tế quốc dân) bày tỏ quan điểm: "Dù đã quen với việc nhận thông báo về việc tăng học phí mỗi năm của nhà trường, nhưng cứ đến mỗi kì phải đóng tiền học là em cảm thấy lo lắng hơn. Vấn đề em trăn trở không chỉ về tài chính của gia đình mà liệu rằng nhà trường tăng học phí thì có đi đôi với chất lượng giảng dạy sẽ đảm bảo hơn không".

Phụ huynh, sinh viên lo lắng trước thông tin nhiều trường đại học tăng học phí gấp 3,5 lần sau năm 2021

Nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn thắc mắc về việc liệu học phí tăng có dẫn đến tăng trưởng về chất lượng đào tạo hay không.

Dương Hà Giang (sinh viên năm nhất, ĐH Luật Hà Nội) chia sẻ: "Em cảm thấy có chút lo lắng và bỡ ngỡ. Sống xa nhà nên có nhiều khoản phải chi tiêu, mà học phí sẽ tăng 10% theo thông báo của trường  từng năm học nên em thấy hơi khó khăn trong việc trang trải cuộc sống. Sinh viên năm nhất chưa kiếm được việc làm thêm nữa, hàng tháng vẫn phải xin tiền bố mẹ để sinh hoạt. Trường tăng học phí thì học sinh khổ thêm, chưa kể các chi phí phát sinh như tiền gửi xe, xăng xe, sách vở nữa. May là trường em học phí không quá cao, ở mức trung bình nên vẫn còn có thể chắt chiu tiết kiệm được."

Không chỉ có ĐH Luật mà trường ĐH Bách Khoa Hà Nội năm nay cũng đã công bố đến mức học phí được áp dụng cho các sinh viên năm nhất trong năm học tới. Trong đó, với những chương trình đào tạo chuẩn, thì mức học phí này cũng sẽ dao động trong khoảng từ 20 đến 24 triệu đồng tùy từng ngành. Mức học phí này tăng so với mức từ 16 đến 22 triệu đồng của năm trước.

Bạn Nguyễn Dương Ly (sinh viên năm 3, ĐH Bách Khoa) bộc bạch: "Điều khiến em suy nghĩ nhiều nhất khi vào ĐH là việc đóng học phí cho mỗi kì học. Gia đình em không phải là khá giả nên em thấy rất lo chưa kể đến việc nhà trường sẽ tăng học phí từng năm thì nỗi lo ấy lại tăng gấp đôi. Nỗi lo thì vẫn ở đó còn bọn em vẫn phải chấp hành đúng nếu không sẽ không được học, được thi nữa".

Cùng quan điểm đó, anh Dương Văn Tuấn (49 tuổi, sống tại TP Hà Tĩnh) có con đang theo học tại trường Học viện Thanh Thiếu Niên cũng chia sẻ: "Gia đình tôi không phải công chức nhà nước có lương ổn định mỗi tháng mà chúng tôi buôn bán tự do cố gắng kiếm đủ tiền cho con. Nhưng mỗi lần con gọi về báo tiền học phí kì này tăng, tôi lại thấy gánh nặng hơn về cuộc sống. Mình thương con muốn con được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa nên cũng chỉ biết cố gắng làm kiếm thêm thu nhập".

Học phí tăng mỗi năm đang khiến nhiều phụ huynh, sinh viên lao đao, nhất là các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Các trường ĐH nên cân nhắc mức học phí phù hợp mỗi năm nhằm giảm áp lực cho sinh viên, đối tượng phụ thuộc phần lớn tài chính vào gia đình. Đáng quan tâm hơn nữa là học phí tăng thì chất lượng đào tạo liệu có tăng cao hay không khi hàng năm vẫn có hàng trăm nghìn cử nhân ra trường không có được việc làm.

Huy Hoàng
Theo Gia Đình & Xã Hội