Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:15
RSS

Phi hành gia cao lên 9 cm sau ba tuần ngoài vũ trụ

Thứ tư, 10/01/2018, 19:50 (GMT+7)

Kết quả đo các chỉ số cơ thể cho thấy một phi hành gia Nhật Bản cao thêm đến 9 cm sau thời gian ngắn sống trên trạm ISS.


Phi hành gia Norishige Kanai đang thực hiện nhiệm vụ trên trạm ISS. Ảnh: Newsweek.

Phi hành gia Nhật Bản Norishige Kanai cao lên 9 cm sau khi sống trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) khoảng ba tuần, Newsweek hôm 9/1 đưa tin. Đây cũng là lần đầu tiên phi hành gia này thực hiện chuyến bay vào không gian.

Kanai thông báo trên mạng xã hội Twitter về kết quả đo các chỉ số cơ thể mới. "Tôi mới chỉ ở ngoài không gian ba tuần. Tôi đã không phát triển như thế từ hồi trung học", anh viết. Kanai còn đùa rằng anh lo mình sẽ không ngồi vừa chỗ trên tàu vũ trụ Soyuz khi trở về Trái Đất.

Các phi hành gia thường cao lên khoảng 5 cm nhờ môi trường vi trọng lực trên trạm ISS. Ở Trái Đất, trọng lực "chỉnh hình" cơ thể khi con người đứng hay ngồi. Cột sống bị ấn xuống nhẹ làm giảm tổng chiều cao. Khi con người nằm ngang để ngủ qua đêm, áp lực của trọng lực lên xương sống yếu đi và chúng ta duỗi ra một chút.

Tuy nhiên, trong môi trường vi trọng lực, hiện tượng giãn cơ thể qua đêm diễn ra mạnh hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến NASA dành nhiều thời gian nghiên cứu quá trình con người nằm trên giường để hiểu những nguy cơ mà các phi hành gia gặp phải trong vũ trụ. Người tham gia nghiên cứu có thể phải nằm hơn hai tháng trên giường, kể cả lúc tắm, và giữ phần đầu thấp hơn cơ thể một chút.

Vi trọng lực cũng dẫn đến một số thay đổi khác trong cơ thể như loãng xương, giảm sức mạnh cơ bắp hay thay đổi cấu trúc mắt.

Kanai là một bác sĩ phẫu thuật và gia nhập cơ quan vũ trụ Nhật Bản năm 2009. Anh trở thành phi hành gia chính thức năm 2011. Kanai cùng phi hành gia Nga Anton Shkaplerov và phi hành gia Mỹ Scott Tingle bay lên trạm ISS bằng tàu vũ trụ Soyuz MS-07 hôm 17/12. Họ dự kiến trở về Trái Đất tháng 4 năm nay.

Chiều cao luôn là một vấn đề quan trọng đối với các phi hành gia. Năm 1959, NASA bắt đầu tuyển dụng thế hệ phi hành gia đầu tiên với một tiêu chuẩn quan trọng là cao dưới 180,4 cm.

Qua vài thập kỷ, tàu vũ trụ đã lớn hơn nhưng chiều cao vẫn là vấn đề cần chú ý đối với các phi hành gia. Tàu vũ trụ Soyuz mà các phi hành gia đang sử dụng để bay vào vũ trụ có thể chứa vừa người cao đến 190,5 cm. Chiều cao của Kanai không được công khai, nhưng có vẻ anh là người cao nhất trong số ba phi hành gia lên trạm ISS tháng trước.

Thu Thảo
Theo VnExpress