"Mê cung" thẩm Mỹ viện
Trên các phương tiện tìm kiếm, chỉ với một từ khóa “phẫu thuật thẩm mỹ” có thể cho ra hàng trăm nghìn kết quả tìm kiếm trong vòng nửa giây. Không khó để tìm kiếm thẩm mỹ viện, tuy nhiên thẩm mỹ viện chất lượng, an toàn thì không dễ dàng. Câu chuyện về đội ngũ bác sĩ của các thẩm mỹ viện không có bằng cấp, giấy phép hành nghề chỉ qua vài bài quảng cáo đã ung dung, tự do thực hiện hàng loạt ca “đổi đời” không còn xa lạ.
Bên cạnh các thẩm mỹ viện có mặt bằng kinh doanh có treo biển, có bác sĩ thì còn hàng loạt các thẩm mỹ viện đi lên từ hàng gội đầu, cắt tóc hay đơn giản hơn là tại nhà. Chính vì thế bác sĩ thẩm mỹ cũng đa dạng đối tượng từ bác sĩ có bằng cấp, chủ hàng gội đầu, cắt tóc, làm móng hay chỉ là một nhân vật tự cho mình các chức danh “bác sĩ thẩm mỹ” trên mạng xã hội
Đi kèm với sự đa dạng về “đẳng cấp” của các thẩm mỹ viện chính là sự đa dạng về giá cả cũng như các phương pháp thực hiện. Khách hàng ngày càng hoang mang, lạc lối trong mê cung mang tên “thẩm mỹ viện”.
Nỗi đau chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu
Quyết định lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ để hoàn thiện bản thân của mình cũng có nghĩa là chấp nhận rủi ro và tỷ lệ rủi ro trong phẫu thuật thẩm mỹ cũng chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ. Hàng loạt các thông tin về hậu quả của phẫu thuật thẩm mỹ tràn lan trên các mạng xã hội: mắt xếch, mũi lệch hay gương mặt biến dạng thô cứng…
Gần đây nhất là câu chuyện về chàng trai tên Công sinh năm 1993 đã chi ra 1,2 tỷ đồng cho việc sửa toàn bộ gương mặt và cắt xương sườn để có vòng eo con kiến. Chàng trai này đã kể về quá trình phẫu thuật của mình tại Hàn Quốc cùng những đau đớn mà anh phải trải qua: “Khi tỉnh lại, mình cảm thấy như mình sẽ chết. Nó đau đến mức mình không khóc được. Mình phải nằm viện 5 ngày với nẹp cố định. Tất cả sinh hoạt cá nhân của mình trong thời gian này đều do y tá một tay chăm sóc vì họ sợ mình sẽ bị nhiễm trùng. Vết rạch của mình nằm ở 2 bên eo, nó kéo xuống đến tận bẹn”, Công nghẹn ngào kể lại.
Chàng trai tên Công tự mình sang Hàn Quốc cắt gọt xương sườn
Dù hiện tại sở hữu ngoại hình như mong ước nhưng sau khi phải trả giá bằng nhiều thứ Công nhận ra: “Nó làm mình mất cả thời gian, tiền bạc và chịu nhiều đau đớn. Mình nghĩ như thế không đáng!”.
Không chỉ chia sẻ về câu chuyện của mình Công cũng giãi bày về câu chuyện của người chị gái: “Mình có một người chị vì ham rẻ nên đi phẫu thuật ở bệnh viện không uy tín, bị bác sĩ cắt xương xong để lại nhiều biến chứng. Hiện tại, chị ấy không ăn no được. Ăn nhiều một tí là bụng đau quằn quại. Kinh khủng hơn, chị đã không thể mang thai được nữa. Mình thấy lao vào làm đẹp không biết điểm dừng rất nguy hiểm”.
Lối đi nào cho những người muốn thay đổi ngoại hình?
Đến thẩm mỹ viện ai cũng có hy vọng mình sẽ đẹp hơn và cũng có không ít những trường hợp “vịt hóa thiên nga” thành công. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì hiệu quả mà phẫu thuật thẩm mỹ mang lại không kéo dài vĩnh viễn. Độ bền của ca phẫu thuật phụ thuộc nhiều yếu tố và ý thức giữ gìn của từng người. Nó chỉ đẹp trong khoảng 3-5 năm đầu sau đó sẽ xuống cấp dần.
Nhưng đó còn là những trường hợp may mắn ưng ý với ngoại hình chỉnh sửa trong vài năm, còn rất nhiều những trường hợp tiền mất mà tật lại mang thậm chí là mất mạng. Nó như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai muốn tìm kiếm nhan sắc nhờ dao kéo.
Ngoại hình của Công hiện nay sau khi phẫu thuật
Những rủi ro của phẫu thuật thẩm mỹ rất dễ gây ra nỗi lo lắng cho từng người. Cùng với những đau đớn trong và sau phẫu thuật, những loại hóa chất được đưa vào cơ thể khi phẫu thuật cũng góp phần làm thay đổi quá trình sản sinh hormon tự nhiên của cơ thể và gây ra những rối loạn về tâm lý, gia tăng chứng stress.
Làm đẹp là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của bất kỳ ai. Nhưng để đảm bảo an toàn cho bản thân, mỗi người phải tự tìm hiểu thật kỹ thông tin về thẩm mỹ viện mà mình định tới, tránh để tiền mất mà tật lại phải mang.