Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:00
RSS

Phát hoảng với cà chua "tắm" hóa chất kích chín siêu tốc

Thứ sáu, 04/08/2017, 07:09 (GMT+7)

Theo một số người thì cà chua trước khi thu hoạch được "tắm" nhiều hóa chất không rõ nguồn gốc. Hoặc thậm chí sau khi thu hoạch rồi vẫn được "ngủ" trong thùng chứa hóa chất kích thích nhanh chín.

"Tắm" thuốc từ bắt đầu tới thu hoạch

Thôn Đông Lao (xã Đông La, huyện Hoài Đức) nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 10km, đây là nơi cung cấp cà chua, rau củ cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, để có những quả cà chua chín mọng, ngon mắt thì người trồng phải sử dụng thuốc trừ sâu. 

Theo bà Nguyễn Thị H. (người có kinh nghiệm trồng cà chua nhiều năm ở xã Đông La) cho biết: “Khi cây cà chua giống nảy mầm có lá non là phải bơm thuốc sâu vì không bơm thì sâu sẽ ăn mất ngay. Nếu là mùa cuối năm hay đầu năm thường có nhiều sương muối vào buổi sáng thì phải bơm lẫn cả thuốc sương nữa, không thì cây sẽ bị lụi. 
Sau khi cấy cây giống, chỉ độ một tháng rưỡi là cây cà chua có quả. Thời gian này phải luôn theo dõi xem cây phát triển như thế nào, có bệnh hay có sâu để kịp thời bơm thuốc bảo vệ thực vật. Khi cây bắt đầu có hoa cũng cần phải dùng thêm thuốc thụ phấn. 

cà chua tắm thuốc trừ sâu

Cà chua tắm thuốc trừ sâu từ khi trồng tới lúc thu hoạch. Ảnh: Tuổi trẻ

Thuốc này sẽ được pha vào bình nhỏ rồi bơm trực tiếp vào chùm hoa. Thụ phấn là một công đoạn rất quan trọng, vì nó quyết định tới năng suất, số lượng quả. Loại thuốc thụ phấn sẽ có tác dụng làm cho mỗi chùm hoa đậu nhiều quả hơn.

Khi cây có hoa rồi có quả, mức độ bơm thuốc bảo vệ thực vật tăng dần lên. Lúc quả còn nhỏ, non nếu bị sâu ăn sẽ bị hỏng hoặc sau này lớn lên quả sẽ có vết sẹo, méo mó, nhìn rất xấu. Lá, thân và ngọn nếu bị sâu cắn cụt thì làm ảnh hưởng lớn tới sự sinh trưởng và phát triển của cây. Nguy hại không kém là các loại bệnh như nấm, gỉ sắt, xoăn lá xoăn ngọn, nếu không bơm thuốc trị bệnh kịp thời thì cây cà chua sẽ không phát triển được, thậm chí bị chết. 

Tại đây, người dân thường đợi cà chua chín rồi mới thu hoạch nhưng số cà chua này sẽ được bơm thuốc trừ sâu, thuốc trị bệnh 1 lần/tuần ngay trước thời điểm thu hoạch. Nhờ có hỗn hợp thuốc sâu REAGT, thuốc ZINEB mà quả cà chín đỏ, đẹp hơn, bóng hơn. 

thuốc bảo vệ thực vật

Đây chính là loại thuốc bảo vệ thực vật được người dân sử dụng để kích thích cà chua. Ảnh: Tuổi trẻ

Tuổi đời cây cà chua kéo dài khoảng hơn ba tháng, nhưng thời gian gian thu hoạch chỉ độ một tháng. Từ khi quả chín bắt đầu được thu hoạch, các loại thuốc bảo vệ thực vật loại nặng vẫn bơm bình thường. Trong một tháng cà chua chín, mỗi ngày phải thu hoạch một lần, nếu để quả cà chín quá sẽ dễ bị dập nẫu, không đẹp mã, người mua sẽ chê, phải bán giá thấp.

Kể cả sáng hôm trước bơm thuốc sâu, thuốc bệnh cho cà chua thì sáng hôm sau vẫn phải thu hoạch các quả cà chua chín, không thì sẽ hỏng. Đây chính là hiểm họa đối với sức khỏe người tiêu dùng. Bởi những quả cà chua chín này khi được đem ra ngoài thị trường vẫn còn chứa chất bảo vệ độc hại.
 
Cà chua xanh "hóa" chín nhờ hóa chất 

Để có những quả cà chua mọng, đẹp thì người trồng ngoài dùng thuốc bảo vệ thực vật còn dùng hóa chất để... giấm cà chua nhanh chín. Tại cánh đồng của xã Song Phương (huyện Hoài Đức), một người trồng cà chua tên Minh chia sẻ: “Cà chua để tự nhiên rất khó chín đều. Muốn cà chín đều, đẹp cũng không khó. Chọn thời điểm cây cà chua bắt đầu héo lá, quả to đều, lác đác thấy có quả chín thì phải phun thuốc ngay".

Người này cũng cho biết thêm, giấm cà chua bằng hóa chất là chuyện thường. Và thuốc dùng để giấm cà chua thì không được bán công khai, song chỉ cần vào mấy hiệu bán thuốc bảo vệ thực vật hỏi mua thuốc giấm cà chua là họ hiểu. Nhưng cũng phải hỏi khéo, vì đây là thuốc cấm nên không phải ai họ cũng bán. Anh Minh cho biết bản thân vẫn mua loại thuốc này ở chợ Giếng Đồng, phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Hóa chất giúp cà chua nhanh chín

Hóa chất giúp cà chua nhanh chín, căng mọng và bắt mắt hơn. Ảnh: Pháp luật

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ thì lọ thuốc dùng để giấm cà chua không có bất cứ thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ, liều dùng hay hạn sử dụng được in trên bao bì mà chỉ thấy những dòng chữ Trung Quốc được in cẩu thả. Bên trong lọ thuốc này là một loại dung dịch có màu trắng. 

Được biết, nếu chọn cách giấm cà chua bằng đất đèn thì sẽ mất khá nhiều công đoạn và cà chua lâu chín. Tuy nhiên, nếu sử dụng loại hóa chất Trung Quốc này thì có thể rút ngắn thời gian. Ngoài kích thích cà chua nhanh chín, loại hóa chất này còn giúp cà chua chín đều, bóng vỏ, căng mọng... trông rất hấp dẫn. Giấm bằng loại thuốc này, cà chua còn rất ít khi bị thối, có thể để lâu nếu chưa bán hết ngay. 

Với những người bán họ đều nói không biết hóa chất này có độc hại không. Họ chỉ biết một điều là cà chua sẽ nhanh chín và đẹp mắt hơn khi dùng.

Hóa chất kích thích cà chua gây hại sức khỏe người tiêu dùng

Theo GS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa Sinh trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (ĐHQGHN) thì: “Nếu phun các loại thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sau 20 tiếng đã thu hoạch thì chắc chắn các loại thuốc ấy sẽ còn lưu lại trên sản phẩm. Nếu ăn sống thì nguy hiểm hơn là nấu nướng rồi mới ăn. Tùy theo độc tính của từng loại thuốc mà sẽ tác động khác nhau đến cơ thể. 

Cà chua gây hại sức khỏe

Cà chua gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Tri thức trẻ

Hiện nay, các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép đều là các loại phân hủy nhanh. Người sản xuất nên tuân theo danh mục sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo đúng liều lượng, chu kỳ phun thuốc và chu kỳ cách ly trước khi thu hoạch. Nếu người dân tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn sử dụng thuốc thì sản phẩm rau củ quả là an toàn. 

Còn các loại hóa chất khác không rõ nguồn gốc nhập từ Trung Quốc để giấm cà chua, làm cho quả cà chua chín nhanh thì không thể biết và lường trước được những tác động xấu của chúng đến sức khỏe người tiêu dùng. Loại thuốc này phải được mang đi kiểm tra, phân tích bằng các thiết bị chuyên dụng mới biết được độ độc hại như thế nào”. 

Nhận biết mít ngậm hóa chất. Nguồn: VTC

Q.N (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC