Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:37
RSS

Công nghệ "phù phép" rau nhanh hái, mực thối thành mực tươi ngon nhờ hóa chất

Thứ tư, 02/08/2017, 14:34 (GMT+7)

Ngày nay, thực phẩm bẩn là nỗi lo của nhiều người bởi chúng ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, để có lợi nhuận nhiều người vẫn "thẳng tay" ngâm mực vào hóa chất hay để rau tắm trong thuốc trừ sâu.

Rau tắm thuốc trừ sâu bán tràn lan

Theo chia sẻ của chị Trần Thị Minh Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) thì khi chị mua rau cải xanh ở chợ về nấu canh và cháo cho con, ăn xong bé bị đau bụng phải cho đi viện cấp cứu. Còn nồi canh khi để nguội thì còn sặc mùi thuốc trừ sâu. 

Chị Nguyễn Thị Hạnh nhân viên khuyến nông của một xã ven đô huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết gần 5 năm gắn bó với bà con nông dân vùng ven đô, chị thấy hầu như nông dân bao giờ cũng phải sử dụng 1 – 2 loại thuốc trừ sâu để bảo vệ rau xanh. Điều quan trọng là họ dùng như thế nào, đúng thời gian sử dụng hay không.

rau tắm thuốc trừ sâu

Rau tắm thuốc trừ sâu bán tràn lan gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Báo pháp luật

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, thuốc trừ sâu sẽ tiêu tan trong không khí sau 1 tuần sử dụng. Chỉ những người sử dụng thuốc nay mai hái mới khiến thuốc trừ sâu tồn đọng. 

Trên thực tế, rau cải và đậu đũa là loại rau bị "tắm" thuốc trừ sâu nhiều nhất do 2 loại rau này có nhiều sâu bọ. Bởi thế, chủ vườn thường tăng cường tưới thuốc trừ sâu, phân đạm cho rau trước khi thu hoạch.  Điều này rất nguy hiểm vì khi đưa vào sử dụng, dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong rau còn cao do không có đủ thời gian để phân hủy.

Nói về rau nhiễm hóa chất, PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa Hóa học trường Đại học tự nhiên Hà Nội cho biết rau xanh, các loại củ quả bị phun hóa chất rất nhiều. Hiện nay, có hai loại hóa chất để người dân sử dụng diệt trừ sâu. Đó là loại hóa chất phun trên bề mặt của rau, củ để diệt con sâu đang sống trên lá rau hoặc quả; Loại thuốc thứ 2 là loại thuốc ngấm vào trong lá rau. Con sâu ăn phải lá rau này sẽ chết và người ăn phải lá rau này sẽ ngộ độc cấp tính hoặc ngộ độc trường diễn.

Kinh hãi với rau "tắm đẫm" thuốc kích thích. Nguồn: Lâm Đồng TV

PGS Côn cho biết các loại hóa chất này đều có thời gian phân hủy, bán phân hủy. Nếu người nông dân sử dụng các loại theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì rau sẽ không ngậm hóa chất nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, theo PGS Thịnh, đại đa người ta gian lận thương mại rau vừa phun đã hái đem bán cho người sử dụng.

Mực "tẩm" hóa chất có thể gây ung thư

Theo Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết qua kiểm tra đoàn phát hiện mực ở cơ sở ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ đều bị bốc mùi hôi thối đang được công nhân đổ ra nền xi măng sơ chế bằng...hóa chất.

Khu sơ chế này được dựng tạm ngoài bãi sông Hồng, quây bạt, ruồi nhặng bu kín xung quanh. Chủ cơ sở Đỗ Thị Lan (32 tuổi, ở Cát Bi, Hải Phòng) khai không có giấy phép đăng ký kinh doanh

"Hô biến" mực thối thành mực tươi ngon mắt nhờ hóa chất. Nguồn: VTC16

Bà Lan cho hay, số mực trên đã được đưa từ Hải Phòng về Hà Nội rồi được tẩy trắng trước khi đưa đi tiêu thụ. Để “né” lực lượng chức năng, chủ cơ sở này đã thuê khoảng đất trống ngoài ven bãi sông Hồng dựng “xưởng” để chế biến.

Bình thường, chị Lan mua mực ôi thiu với giá từ 15-17.000 đồng/kg và bán ra thị trường với mức giá 50-60.000 đồng/kg sau khi ngâm qua hóa chất tẩy trắng. Theo tiết lộ của người này thì mỗi ngày cơ sở cho ra thị trường khoảng từ 3- 5 tạ mực “thành phẩm”.

Tất cả số mực kém chất lượng này đều được nhập về từ Hải Phòng sau đó qua bàn tay "thần thánh" của người làm, mực hôi thối bỗng chốc trở thành mực tươi ngon, trắng phau rồi được mang đi tiêu thụ ở chợ Long Biên (Ba Đình).

mực ngâm hóa chất

Mực ngâm hóa chất để "phù phép" đồ thối thành đồ tươi. Ảnh: Người đưa tin

Điều đáng nói ở đây là cơ sở này không phải nơi đầu tiên đoàn kiểm tra phát hiện ra mực hôi thối được phù phép thành mực tươi nhờ hóa chất. Trước đó, Đội Cảnh sát môi trường - Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã bất ngờ tiến hành kiểm tra khu vực buôn bán thủy sản tại chợ Long Biên. Tại Kho G2, cơ quan chức năng bắt quả tang Vũ Mạnh Cầm (22 tuổi, ở Hưng Yên) là nhân viên đang đổ hàng chục cân mực ôi, bốc mùi vào các thùng phuy cỡ lớn có chứa hóa chất công nghiệp để bảo quản.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 750kg mực ống đã bốc mùi được lưu trữ, trong đó có 150kg đang được ngâm tẩm hóa chất. Nhân viên Cầm cho biết anh chỉ là người làm thuê, còn chủ cơ sở là bà Ngô Thị Lan (46 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng).

Quy trình biến mực thối thành mực tươi

Quy trình biến mực thối thành mực tươi chỉ trong chớp mắt. Ảnh: Người đưa tin

Người này cũng tiết lộ, để có thể "phẩy đũa thần" biến mực thối thành mực tươi thì chỉ cần dùng 30l oxy già công nghiệp vào thùng phuy, sau đó ngâm mực trong đó khoảng 30 phút. Trong lúc đó, anh Cầm dùng gậy sắt đảo đều cho tới khi mực trắng, hết mùi thối thì đem ra chợ Long Biên bán.

Theo cơ quan điều tra, mực ống đông lạnh thường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường biển Hải Phòng hoặc Quảng Ninh về Hà Nội và có thể đưa sâu vào tận miền Nam tiêu thụ.

Mực mặc dù đã rã đông nhũn, nhớt, bốc mùi thối… nhưng sau khi bị “phù phép” lại giòn, trắng và sạch mùi trở lại. Lý do hàng được nhập lậu vì bên Trung Quốc giá chỉ rẻ bằng một nửa so với thủy sản nuôi trong nước.

 

 

Q.N (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN