Chiều 14/7, tại tọa đàm “Câu chuyện chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện tăng cao” ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban kinh doanh EVN - cho biết, kết quả kiểm tra tại 5 tổng công ty cho thấy có 6.271 trường hợp phải điều chỉnh và xử lý hóa đơn sai, hỏng do nguyên nhân sai chỉ số (chiếm tỉ lệ 0,022%).
Trong đó, có 519 trường hợp hủy bỏ hoàn toàn; 3.828 trường hợp hủy bỏ lập lại hóa đơn; truy thu do sai gây giảm cho khách hàng là 1.249 trường hợp và thoái hoàn do sai gây tăng cho khách hàng là 657 trường hợp.
Các nguyên nhân liên quan đến ghi chỉ số công tơ gồm: sai chỉ số định kỳ, chỉ số treo/tháo, khách hàng báo số sai, tạm tính hoặc do nhân viên nhập sai chỉ số. Trong số các tổng Công ty điện lực thì Tổng công ty Điện lực miền Bắc có số khách hàng phải điều chỉnh lớn nhất với 4.345 trường hợp.
Kết quả kiểm tra cũng chỉ ra, trong tháng 6/2020, số yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện là 63.441, chiếm 5% tổng số yêu cầu. Sau khi xử lý thì số yêu cầu khách hàng phản ánh đúng là 419 trường hợp, chiếm tỉ lệ 0,66% số yêu cầu liên quan tiền điện và 0,033% của tổng số yêu cầu.
Với 156 khách hàng được các báo thông tin hoặc mạng xã hội đưa lên, 6 trường hợp tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Tiền Giang, Ninh Bình… đã được xử lý.
Cùng với đó ông Dũng cho hay, trong quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện, EVN đã bổ sung thêm 2 bước kiểm soát thông qua việc đặt ngưỡng cảnh báo. Khi vượt ngưỡng tăng 30%, thay vì chỉ cảnh báo cho cán bộ ghi chỉ số thì các cấp cao hơn như lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm tra, đảm bảo ghi chỉ số này thực hiện đúng quy định.
Cụ thể, danh sách khách hàng bất thường sẽ được gửi đến email của lãnh đạo đơn vị. Trên cơ sở đó kiểm soát việc nhập chỉ số tạm tính, khách hàng báo số quá 2 tháng liên tiếp. Hoặc thông qua trung tâm chăm sóc khách hàng, sẽ chuyển yêu cầu đến lãnh đạo đơn vị chỉ đạo xử lý.