Chính quyền Pháp vừa qua đã ra tuyên bố nghiêm cấm sử dụng phương thức kẹp cổ khi bắt giữ nghi phạm, tránh gây ra các hậu quả đáng tiếc sau vụ việc 1 người dân da màu tử vong trong khi bị cảnh sát Mỹ bắt giữ tại thành phố Minnesapolis ở Mỹ, CNN đưa tin.
Sputnik, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nhấn mạnh, phương pháp kẹp cổ để khống chế trong khi vây bắt nghi phạm sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ. Ngoài ra, phương pháp này cũng sẽ không được tiếp tục giảng dạy trong các trường đào tạo cảnh sát, tránh gây ra những tác động nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp cũng tuyên bố rằng, Pháp sẽ “không khoan nhượng” với những hành vi phân biệt sắc tộc trong quá trình thực thi pháp luật Bất cứ sĩ quan cảnh sát nào vi phạm sẽ bị đình chỉ ngay lập tức.
Vụ việc người đàn ông da màu George Floyd tử vong trong khi bị cảnh sát Mỹ bắt giữ vào cuối tháng 5 vừa qua, đã thổi bùng làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại nhiều quốc gia.
Thống kê cho thấy, tất cả 50 tiểu bang và các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ đều có biểu tình. Hơn 100 trên tổng số 310 thành phố (có dân số trên 100.000 người) diễn ra biểu tình quy mô lớn, bao gồm biểu tình ôn hòa và bạo động cướp phá. Tổng cộng có 12 người thiệt mạng do biểu tình, hàng nghìn người bị bắt giữ.
Tại châu Âu, 26 quốc gia có biểu tình. Những nước châu Âu được xem là “hăng hái” biểu tình nhất gồm Bỉ (7 thành phố), Đức (14 thành phố), Italia (20 thành phố), Tây Ban Nha (5 thành phố), Thụy Điển (5 thành phố), Thụy Sỹ (6 thành phố). Đặc biệt, Anh có tới 29 thành phố có biểu tình vừa ôn hòa vừa bạo động, kéo dài từ 28/5 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở châu Á, hơn 10 quốc gia có các cuộc biểu tình với số lượng tham gia từ 10 đến vài trăm người. Nhật là quốc gia có số người tham gia biểu tình đông đảo nhất, 800 người tại hai thành phố Tokyo và Osaka. Trong khi, Hong Kong (Trung Quốc) được xem là nơi có số người tham gia biểu tình ít nhất với hơn 10 người.
Tại Australia, các cuộc biểu tình nổ ra tại 9 thành phố lớn nhất trên 6 bang, với khoảng 80.000 người tham gia. Tất cả các cuộc biểu tình đều diễn ra ôn hòa. New Zealand có 11.000 người tham gia biểu tình tại 6 thành phố lớn, trong đó đông nhất là ở thành phố Auckland và ít nhất là tại thành phố Tauranga.
Biểu tình cũng xuất hiện tại Canada với sự tham dự của hàng chục nghìn người. Bang Ontario được xem là có số người biểu tình cao nhất với 65.000 người, trong khi thủ đô Ottawa chịu thiệt hại nặng do biểu tình biến thành bạo động, cướp bóc. Hàng loạt quốc gia khác ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi cũng xảy ra biểu tình nhưng với quy mô nhỏ và phần lớn diễn ra ôn hòa.