Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:15
RSS

Pháp: 19 nghìn người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc

Thứ tư, 03/06/2020, 06:48 (GMT+7)

Khoảng 19 nghìn người đã tập trung trước một tòa án tại thủ đô Paris, bên cạnh các cuộc biểu tình tại thành phố khác như Marseille, Lille hay Lyon.

Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng tại Pháp
Đụng độ đã xảy ra trong các cuộc biểu tình. Ảnh: Le Parisien

Ngày 2/6, trong ngày đầu tiên của giai đoạn 2 quá trình dỡ phong tỏa toàn quốc, hàng chục nghìn người Pháp đã tập trung biểu tình tại thủ đô Paris và các thành phố lớn để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực của lực lượng cảnh sát.

Theo VOV, bất chấp các quy định về giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực và không được cho phép, khoảng 19 nghìn người, đa phần là giới trẻ, đã tập trung trước một tòa án tại thủ đô Paris, bên cạnh các cuộc biểu tình tại thành phố khác như Marseille, Lille hay Lyon.

Bên cạnh việc đòi Công Lý cho nạn nhân Adama Traoré, những người biểu tình cũng phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người da đen tại Pháp cũng như tại Mỹ trong vụ việc xảy ra cách đây ít ngày.

Cuộc biểu tình tại thủ đô Paris mở đầu trong trật tự nhưng sau đó đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát. giao thông quanh khu vực bị tắc nghẽn, một vài hành động đốt phá đã xảy ra khiến cảnh sát phải sử dụng lựu đạn hơi cay để đẩy lùi người biểu tình quá khích.

Các cuộc biểu tình tại những thành phố lớn trong ngày 2/6 này là sự kiện đáng lo ngại khi nước Pháp vẫn trong tình trạng y tế khẩn cấp, các quy định về giãn cách xã hội vẫn còn hiệu lực, đặc biệt là việc tụ tập quá 10 người ở nơi công cộng vẫn bị cấm. Ngoài ra, Chính phủ Pháp còn lên phương án kéo dài tình trạng y tế khẩn cấp sau ngày 10 tháng 7 nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.

Trong phát biểu đầu tiên trước báo giới về các cuộc biểu tình bạo loạn đang diễn ra tại Mỹ vài ngày qua, Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Josep Borrell ngày 2/6 cho biết, khối này bị sốc và kinh hãi trước cái chết của George Floyd và nhận định, đây là một sự lạm dụng quyền lực của cảnh sát Mỹ.

“Ở châu Âu, cũng như nhiều người tại Mỹ, chúng tôi bị sốc và kinh hãi trước cái chết của George Floyd. Đây là một sự lạm dụng quyền lực và cần phải bị lên án. Nó cần phải bị đấu tranh tại Mỹ hay tại bất cứ nơi nào khác”.

Cũng trong ngày 2/6, tại Đức, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng cho biết sẽ liên hệ với cảnh sát Mỹ về các cáo buộc là cảnh sát Mỹ đã tấn công các nhà báo Đức của tờ Deutsche Welle khi những người này đang đưa tin về cuộc biểu tình tại thành phố Minneapolis.

Đối với các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp nước Mỹ, Ngoại trưởng Đức nhận định, các cuộc biểu tình này là hợp pháp và có thể hiểu được, đồng thời hy vọng những cuộc biểu tình này không dẫn đến bạo lực và sẽ tạo ra một số tác động tích cực.

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN