Thứ năm, 25/04/2024 | 15:12
RSS

Ông Vũ Mạnh Hải chỉ ra cầu thủ Việt Nam có thể khắc chế Chanathip ở AFF Cup

Thứ bảy, 17/09/2022, 09:30 (GMT+7)

Theo ông Vũ Mạnh Hải, Chanathip rất nguy hiểm nhưng tuyển Việt Nam có người đủ sức khắc chế cầu thủ này.

Theo thông tin mới nhất, tiền vệ Chanathip sẽ dự King’s Cup 2022 và khả năng lớn cũng sẽ tham dự giải AFF Cup cuối năm nay. Điều này giúp tuyển Thái Lan mạnh lên rất nhiều và rất đáng xem ở hai giải đấu tới và sẽ là đối trọng nặng ký của tuyển Việt Nam trong hành trình chinh phục ngôi vương Đông Nam Á cuối năm nay.

Về điều này, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nêu quan điểm trên trang Trí thức trẻ: "Nếu Chanathip đá AFF Cup 2022 thì phiền cho chúng ta lắm đấy. Cậu ấy sẽ làm tăng đáng kể sức mạnh tấn công của Voi chiến. Chúng ta nên nhớ khi Việt Nam vô địch AFF Cup2018 thì Chanathip không dự giải.

Khi Chanathip đá thì tuyến giữa cũng như hàng công của họ đặc biệt nguy hiểm với tuyển Việt Nam. Với "Messi Thái", đội tuyển xứ Chùa Vàng sẽ mạnh lên khá nhiều.

Tất nhiên, tuyển Việt Nam chúng ta cũng không quá lo ngại Chanathip. Vì thời gian qua, tuyển Việt Nam cũng tiến bộ nhiều. Chúng ta cũng có dàn cầu thủ đang sung sức và phong độ ổn, nhiều cầu thủ trẻ rất tiến bộ. Nếu có Chanathip thì tôi tin chúng ta cũng sẽ có đấu pháp để xử lý thôi".

Về cách khắc chế Chanathip ở AFF Cup nếu tuyển Việt Nam đụng độ Thái Lan, ông Vũ Mạnh Hải nêu quan điểm: "Với đối thủ có cầu thủ chơi hay nổi bật thì trước đây, các đội bóng thường cắt cử người theo sát, kèm 1 vs 1. bóng đá hiện đại thì giờ không dùng chiến thuật ấy nhiều nữa.

Nhưng tới đây nếu tuyển Việt Nam đối đầu một Thái Lan có Chanathip thì đấu pháp chiến thuật dứt khoát cần quan tâm lớn tới "Messi Thái" trong khu vực cậu ấy hoạt động, đặc biệt khi cậu ấy tới gần cầu môn chúng ta.

Chắc chắn HLV Park sẽ cử một người để đặc biệt chú ý Chanathip, ví dụ Đỗ Hùng Dũng chẳng hạn. Đấy là một cầu thủ vừa dẻo dai lại có kĩ năng chơi bóng tốt, có thể đọ sức cùng Chanathip. Đấy là đấu pháp hợp lý, có thể tạo thế trận cân bằng cho tuyển Việt Nam".


Đỗ Hùng Dũng được cho là đủ sức khắc chế Chanathip ở AFF Cup

Cuối cùng, cựu danh thủ Thể công kết lại: "Nói chung, kể cả khi tuyển Việt Nam thiếu Quang Hải còn Thái Lan có Chanathip thì chúng ta cũng chỉ là chú ý hơn, lên đấu pháp kĩ càng hơn cho họ thôi. Chứ chúng ta không việc gì phải e ngại tuyển Thái Lan cả.

Trình độ hai đội bây giờ đã xích lại gần nhau rồi. Khi đôi bên gặp nhau, đội nào có đấu pháp chiến thuật hợp lý hơn và chơi thăng hoa hơn thì thắng thôi. Với phía Việt Nam, chúng ta đang có HLV Park Hang-seo là một người rất tài năng và thấu hiểu các cầu thủ. Đấy là điểm tựa để chúng ta đặt niềm tin".

Từ vòng bảng giải AFF Cup 2022 đều thi đấu theo thể thức sân nhà sân khách như năm 2018 với 2 bảng đấu. Tương tự, đến vòng knock-out các cặp bán kết và chung kết cũng đấu sân nhà sân khách (có thể vẫn áp dụng luật bàn thắng sân khách).

Theo kết quả bốc thăm AFF Mitsubishi Electric Cup 2022, đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng B cùng với các đối thủ Malaysia, Singapore, Myanmar và Lào. Trong khi đó, bảng A gồm đương kim vô địch Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia và đội thắng trong cặp play-off giữa Timor Leste/Brunei.

Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu vòng bảng từ ngày 21/12/2022 tới 3/1/2023. Điểm thuận lợi nhất trong lịch thi đấu giai đoạn vòng bảng của đội tuyển Việt Nam chính là được thi đấu trên sân nhà trước Malaysia (27/12) và Myanmar (3/1/2023).

Đội tuyển Việt Nam sẽ làm khách trên sân của Lào (21/12) và Singapore (30/12). Làm khách trên sân của đội tuyển Malaysia từ xưa đến nay luôn bị coi là bất lợi dành cho bất cứ đội tuyển nào thuộc Đông Nam Á. Do đó, đội tuyển Việt Nam không phải tới Malaysia làm khách là tín hiệu tích cực.

Lượt đi bán kết AFF Cup 2022 sẽ diễn ra trong hai ngày 6 và 7/1/2023. Trận lượt về sẽ diễn ra sau đó 3 ngày, tức ngày 9 và 10/1/2023. Trận chung kết AFF Cup 2022 vẫn sẽ có lượt đi và lượt về. Các ngày tổ chức lần lượt là 13 và 16/1/2023. Nếu đội tuyển Việt Nam giành quyền vào chơi trận chung kết AFF Cup 2022, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu trên sân nhà ở trận lượt đi.

Hung Nguyen
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại