Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:12
RSS

Ông Trần Bắc Hà liên quan gì tới đại án ngân hàng?

Thứ tư, 10/01/2018, 08:58 (GMT+7)

Đại diện VKS đề nghị phải triệu tập bằng được một số cá nhân liên quan đến vụ án, trong đó có ông Hà nhưng những người này đều có đơn xin xử vắng mặt.

Ông Trần Bắc Hà liên quan gì tới đại án ngân hàng?
Ông Trần Bắc Hà liên quan gì tới đại án ngân hàng?

Ngày 9/1, TAND TP.HCM bắt đầu vào phần xét hỏi phiên xử vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Trầm Bê và 44 đồng phạm cố ý làm trái gây thiệt hại 6.000 tỉ đồng. Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa dùng cả ngày để đọc cáo trạng dài 130 trang. 

Nhưng khi kiểm sát viên đọc được khoảng 40 phút thì chủ tọa đã phải yêu cầu dừng để bị cáo Danh ra ngoài chăm sóc y tế và sẽ được nghe cáo trạng qua loa. Theo tòa, bị cáo Danh bị bệnh suy thận độ 3.

Không truy tố nhưng điều tra tại tòa

Nhân vật tuy không xuất hiện tại tòa nhưng được dư luận quan tâm là ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng phân ban Quản lý rủi ro Ngân hàng (NH) Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV). Ông Hà được tòa triệu tập với hai tư cách là người liên quan và nhân chứng. Trong vụ án này, Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (thuộc BIDV Chi nhánh Gia Định) đã bị truy tố là đồng phạm với ông Danh về tội cố ý làm trái.

Đầu buổi xử chiều, chủ tọa phiên tòa thông báo là ông Hà có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa do bị bệnh ung thư gan (kèm theo bệnh án), đang điều trị tại bệnh viện. Theo đơn, ông Hà không thể tham gia phiên tòa vì đây là yêu cầu của y tế và xin giữ nguyên lời khai tại CQĐT.

Cáo trạng của VKS nêu một số cá nhân tại BIDV có một số sai phạm. Nhưng kết quả giám định thiệt hại của đoàn giám định NH Nhà nước xác định: Thiệt hại không xảy ra tại BIDV nên các cá nhân liên quan không phạm tội vi phạm quy định về cho vay... CQĐT cũng cho rằng những người này chưa đủ căn cứ để xác định vai trò đồng phạm với ông Danh. 

Vì vậy ngày 26/10/2017, CQĐT đã có đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với cán bộ liên quan tại BIDV, trong đó có ông Hà và hai phó tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang...

Tuy nhiên, cáo trạng vẫn cho rằng để đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan toàn diện, không oan sai, không bỏ lọt tội, đề nghị HĐXX và đại diện VKS điều tra công khai tại tòa để làm rõ hành vi vi phạm, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, nếu có căn cứ tiếp tục xử lý.

Ông Trần Bắc Hà liên quan gì tới đại án ngân hàng?
Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hồ sơ cũng thể hiện ông Danh đã lập các hồ sơ vay vốn khống 4.700 tỉ đồng để thực hiện đề án tăng vốn điều lệ VNCB từ 3.000 tỉ đồng lên 4.700 tỉ đồng. Danh trả các khoản vay cũ của Tập đoàn Thiên Thanh bằng cách gửi tiền sang BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do 12 công ty do Danh lập và đứng tên trên hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỉ đồng.

Ông Hà đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Phân ban rủi ro trên cơ sở các thành viên Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư đóng dấu đồng ý vào phiếu lấy ý kiến về chủ trương cho 12 công ty vay vốn mua vật liệu xây dựng. Ông này cũng ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty vay mua vật liệu xây dựng 4.700 tỉ đồng; giao quyền cho bốn chi nhánh cho ông Danh vay và thu nợ.

CQĐT xác định ông Hà đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB chứ không cho Danh vay và không biết các công ty do Danh thành lập. BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay từ chính khách hàng vay vốn, NH này không bị thiệt hại. Tương tự, đối với ông Sáng và ông Lang cũng đã ký tờ trình phê duyệt cho 12 công ty vay vốn.

Trong khi bị cáo Danh khai có mối quan hệ với BIDV từ trước khi mua NH Đại Tín (sau thành VNCB). Số tiền vay từ BIDV 4.700 tỉ đồng Danh dùng chủ yếu vào mục đích tăng vốn điều lệ cho VNCB. Việc này không đúng với mục đích tại hồ sơ vay BIDV. Danh không nói cho BIDV biết việc sử dụng vốn vay cho việc tăng vốn điều lệ của VNCB…

Thương vụ vay 4.700 tỉ đồng

Ngày 24/5/2013, BIDV hội sở chính do ông Đoàn Ánh Sáng (Phó Tổng Giám đốc) và VNCB do ông Đỗ Hoàng Linh (Phó Tổng Giám đốc) đã ký thỏa thuận hợp tác có nội dung: BIDV ủng hộ VNCB tham gia chuỗi liên kết bốn nhà của BIDV với tư cách là NH của người bán (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng-thiết bị nội thất). Trên cơ sở VNCB có khách hàng, đối tác tham gia tích cực vào chuỗi liên kết này, BIDV xem xét cấp hạn mức giao dịch liên NH cho VNCB (tín chấp hoặc/và có tài sản đảm bảo) theo quy định của BIDV.

Khi thực hiện đề án tái cơ cấu VNCB, do không có tiền để tăng vốn điều lệ nên vào khoảng tháng 9/2013 ông Danh đã gặp ông Sáng đặt vấn đề việc Danh giới thiệu sang BIDV cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng. Nếu khách hàng do VNCB không có tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay.

Sau khi lãnh đạo BIDV đồng ý thì ông Danh chỉ đạo cấp dưới lựa chọn công ty đứng tên trên hồ sơ vay; lập khống hồ sơ vay để nộp cho BIDV. Bị cáo Danh là người quyết định dùng tài sản gồm nhiều lô đất và 3.070 tỉ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh các khoản vay và được chấp thuận cho vay 4.700 tỉ đồng.

Danh giao cho cấp dưới chọn 12 công ty vay vốn BIDV. Các công ty này do Danh thành lập từ tháng 6/2012 trở về trước bằng cách nhờ nhân viên, bảo vệ, lái xe của Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà đứng tên giám đốc. Dù biết rõ các công ty trên không hoạt động kinh doanh nhưng theo chỉ đạo của Danh, các bị cáo cấp dưới đã lập hồ sơ vay vốn tại BIDV…

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục.

Sức khỏe bà Phấn chỉ còn 7%

Chiều 9/1, chủ tọa thông báo HĐXX có nhận được kiến nghị của luật sư của bà Hứa Thị Phấn xin cho bà vắng mặt do bệnh. Lý do, theo giám định y khoa, sức khỏe bà Phấn hiện chỉ còn 7%... 

Chủ tọa nhấn mạnh sau phần thủ tục phiên tòa ông đã ký tiếp các giấy triệu tập một số cá nhân để phục vụ cho công tác xét hỏi, tranh luận tại tòa theo đề nghị của VKS. Danh sách này đã được công bố, trong đó có ông Hà, lãnh đạo một số NH và cá nhân liên quan, nhân chứng vắng mặt. Nhưng những người này hôm nay cũng đã có đơn xin vắng mặt tại tòa vì lý do y tế và công tác…

 

Hoàng Yến
Theo Pháp luật TP. HCM