Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:32
RSS

Bị cáo Đinh La Thăng: Sáng tạo với vi phạm rất mong manh

Thứ ba, 09/01/2018, 20:15 (GMT+7)

Chiều 9/1, trả lời trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng đã nói: Trong bối cảnh, hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vì vậy giữa năng động, sáng tạo với cái vi phạm khuyết điểm rất mong manh.

Bị cáo Đinh La Thăng

Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh TTXVN

Chiều nay, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng (58 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) và đồng phạm tiếp tục diễn ra. Luật sư (LS) Phan Trung Hoài và LS Nguyễn Huy Thiệp (cùng bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) đã thẩm vấn đối với bị cáo Đinh La Thăng.

Trả lời câu hỏi của LS liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng cho biết: Dự án này nằm trong trong nhiều nhà máy điện, bao gồm, điện khí, than, gió…, nằm trong chiến lược phát triển PVN cũng như chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam.

Trong đó, PVN phải đảm bảo cung ứng 30% sản lượng điện cả nước, vì vậy, PVN xác định và Chính phủ quyết định, dự án này là đặc biệt quan trọng, tiến độ hết sức cấp bách, do đó được thực hiện chế độ đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng dự án.

Vẫn theo bị cáo Đinh La Thăng, với cơ chế đặc thù được triển khai thì trong quyết định 1195 nêu rõ, dự án được Chính phủ cho phép vừa triển khai thiết kế chi tiết, vừa thực hiện các chủ trương, quyết định đầu tư. Trong thiết kế kỹ thuật cho thực hiện 2 giai đoạn, vừa thiết kế, vừa thi công…

Nói về vấn đề ép tiến độ của dự án, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, đây là dự án điện cấp bách nên được thực hiện cơ chế đặc thù. Chính phủ yêu cầu phải khởi công trong quý I/2009. Với tiến độ cấp bách như vậy nên tập đoàn cũng phải tổ chức triển khai thực hiện tiến độ theo đúng yêu cầu của Chính phủ.

“Vì vậy, HĐTV cũng ép tiến độ cho các cơ quan, cấp tập đoàn phải bám sát tiến độ chỉ đạo của Chính phủ để triển khai dự án một cách nhanh nhất, theo cơ chế đặc thù”, bị cáo Thăng nói.

“Sau 10 năm nhìn lại thì ép tiến độ thì có phải là nguyên nhân dẫn đến quá trình triển khai phát sinh các vấn đề pháp lý, hậu quả?”, LS Phan Trung Hoài hỏi.

Bị cáo Thăng trả lời: "Sau 10 năm nhìn lại dự án, đặc biệt làm việc với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, tại phiên tòa, chúng tôi có đầy đủ các thông tin mà lúc triển khai chưa có. Với sức ép tiến độ có lúc nôn nóng, nóng vội, chính vì vậy, sau 10 năm nhìn lại dự án, bản thân tôi cũng thấy, có những việc do ép tiến độ nên anh em cấp dưới không đủ điều kiện làm, dẫn đến vi phạm quy trình, thủ tục không đảm bảo, một số vi phạm. Trong quá trình điều tra, tôi đã nhận trách nhiệm vai trò người đứng đầu. Tôi nhận trách nhiệm cho anh em về việc đó".

Bị cáo Thăng cũng mong HĐXX xem xét bối cảnh dự án này trong tổng thể 10 năm về trước với PVN, đơn vị có quy mô lớn nhất cả nước, triển khai rất nhiều dự án trọng điểm, dự án khác. “Trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vì vậy giữa cái quyết liệt, năng động, sáng tạo với cái vi phạm khuyết điểm rất mong manh, khó tránh khỏi”, bị cáo Đinh La Thăng bày tỏ.

Nói về việc PVN chọn Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) là tổng thầu, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, PVC đã làm các dự án tương tự, tất nhiên phạm vi Tổng thầu liên doanh và Tổng thầu thì phạm vi chỉ là về xây dựng. Còn phần lắp máy là phần khác, do nhà thầu nước ngoài, trong nước triển khai.

Năng lực PVC đã được kiểm nghiệm qua dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, các dự án Nhiệt điện Cà Mau 1, 2, dự án Nhơn Trạch 1 và dự án Nhơn Trạch 2 cũng giao cho PVC, Lilama cũng mang lại hiệu quả hơn 100 triệu USD.

“Khi có quyết định đấu thầu quốc tế thì bản thân bị cáo đã báo cáo Chính phủ là nếu Chính phủ cho phép chỉ định thầu trong nước triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nếu không giảm được 100 triệu USD thì bị cáo từ chức và Chính phủ đồng ý. Thực tế, dự án đã giảm được 100 triệu USD”, bị cáo Thăng nói.

Bị cáo Thăng cũng nêu lại một số thành tích của mình trong thời gian lãnh đạo Tập đoàn PVN và nhấn mạnh, bản thân bị cáo day dứt, trăn trở đối với những khuyết điểm tại dự án này.

Phiên xét xử hai ông Đinh La Thăng (58 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN), Trịnh Xuân Thanh (52 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí – PVC) cùng 20 người trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC diễn ra từ sáng 8/1.

Trong vụ án này, ông Đinh La Thăng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999). Mức án ông Thăng phải đối mặt từ 15 đến 20 năm tù.

Ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về hai tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999). Khung hình phạt ông Thanh phải đối mặt lên tới án tử hình.

 

Lương Kết
Theo Dân Việt