Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:28
RSS

Ở Hà Nội, người ra đường phải trình thêm lịch trực, lịch làm việc: Coi chừng phản tác dụng!

Thứ hai, 09/08/2021, 13:40 (GMT+7)

Nhiều ý kiến người dân cho rằng, việc Hà Nội "đẻ ra" thêm giấy tờ có thể phản tác dụng, trái với khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, bởi tăng tiếp xúc của người dân với lực lượng công vụ, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm nếu như gặp phải trường hợp F0.

Theo đó, để phòng chống dịch trong thời điểm giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định cấp và sử dụng giấy đi đường.

Ngoài giấy đi đường theo mẫu ban hành theo Công văn số 2434 ngày 29/7 của TP, tại các chốt kiểm soát, người đi đường phải xuất trình một số giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đáng chú ý, giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).

Dân Việt nhận được những phản ánh của bạn đọc trong ngày đầu Hà Nội thực hiện siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường. 

Kiểm soát giấy đi đường gây ùn ứ giao thông

Ghi nhận của Dân Việt, trong sáng 9/8, lực lượng chức năng bắt đầu siết chặt việc kiểm tra giấy đi đường tại các chốt ra vào trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Tại một số chốt ở đường Đê La Thành, Đào Tấn, Nguyễn Chí Thanh xảy ra hiện tượng ùn ứ phương tiện.

Anh Ma Văn Tùng (người dân ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết), việc lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra giấy đi đường là cần thiết, đặc biệt là việc lập các chốt kiểm dịch là điều nên làm vừa để kiểm soát việc người dân ra vào, truy vết, vừa góp phần vào công tác phòng chống dịch, đẩy lùi dịch covid-19

Thực tế, trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, các tuyến phố ở Hà Nội thông thoáng, người dân cũng hạn chế đi lại hơn.

Hà Nội ban hành quy định phải có thêm lịch công tác, lịch trực khi lưu thông trên đường. Ảnh: TN

"Nhưng nếu như Hà Nội tiếp tục siết chặt giấy đi đường như hiện nay bằng việc phải có thêm lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; hoặc giấy xác nhận của chính quyền, rồi lập chốt 1 cách dày đặc, kiểm soát gắt gao người đi đường tôi cho rằng là quá thừa, có thể bị phản tác dụng.

Bởi đường phố đang thông thoáng, lác đác người và phương tiện thì đột nhiên dồn ứ tại các chốt kiểm soát dịch, mọi người không giữ được khoảng cách.

Như vậy, sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh tại các chốt đó nếu như có ca dương tính hoặc có trường hợp người đi đường là F0", anh Tùng bày tỏ.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Hải Ninh ở quận Thanh Xuân cũng cho rằng, ngoài việc phải bổ sung thêm một số giấy tờ gây phiền phức cho người thực sự có nhu cầu đi lại thì tại các chốt kiểm dịch, kiểm soát cũng đã xuất hiện tình trạng ùn ứ phương tiện.

"Tôi giả sử nếu như tại một chốt kiểm dịch nào đó có một trường hợp F0 cầm giấy tờ đưa cho người trực chốt kiểm tra. Rồi sau đó, người trực chốt vô tình không biết lại cầm giấy tờ của người khác nữa…rồi nhiều người khác nữa.

Chưa kể việc trình bày, trao đổi ở phạm vi gần khó tránh khỏi giọt nước bọt kể cả đã đeo khẩu trang. Như vậy, vô hình chung, các chốt kiểm soát có thể lại là điểm tích tụ gây nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Chưa kể trước đó đã từng có một số người đứng chốt mắc Covid-19" anh Ninh nói.

Và trong thực tế, tại Hà Nội đã có thành viên tại chốt kiểm dịch dương tính với Covid-19.

Hà Nội cần xem xét, điều chỉnh cho hợp lý yêu cầu về giấy đi đường

Ngoài ra theo anh Ninh, việc Hà Nội ban hành văn bản vào thời điểm ngày nghỉ cuối tuần khiến người dân không kịp trở tay. Bởi vì, là ngày nghỉ nên họ không thể đến công sở, công ty, nơi làm việc xin giấy tờ bổ sung được.

Việc kiểm tra thêm nhiều loại giấy tờ khiến một số tuyến đường ùn ứ vào đầu giờ sáng. Ảnh TN.

Trong khi đó sáng thứ Hai (ngày 9/8), lực lượng chức năng đã bắt đầu kiểm tra gắt gao nên việc hoàn thiện giấy tờ là rất khó thực hiện được.

Anh Nguyễn Đoàn (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay, hiện nay tại các phường, xã ở Hà Nội đều đã tổ Covid-19 cộng đồng và các tổ này đang hoạt động rất tốt. Rồi có lực lượng di động thanh tra kiểm tra trên các tuyến phố đối với các trường hợp ra ngoài không cần thiết, hoặc không có lý do.

Như vậy, anh Đoàn cho rằng, Hà Nội chỉ nên lập chốt bảo vệ các cửa ngõ vào thành phố, các khu vực xác định là "vùng xanh", "vùng đỏ" để dịch không xâm nhập hoặc lây lan ra ngoài. Đối với các khu vực có nguy cơ hoặc nguy cơ cao mới cần kiểm soát gắt gao hơn.

"Hà Nội nên xem xét lại việc yêu cầu bổ sung giấy đi đường điều chỉnh làm sao vừa tạo điều kiện cho người dân đi lại khi họ thực sự có nhu cầu, đồng thời, kiểm soát tốt tại các chốt phòng chống dịch, góp phần vào việc đẩy lùi dịch Covid-19", anh Đoàn kiến nghị.

 

 

Nguyễn Đức
Theo Dân Việt