Chủ nhật, 08/12/2024 | 13:38
RSS

Nữ y tá sống sót kỳ diệu sau dịch SARS: Nỗi kinh hoàng 17 năm chưa phai

Thứ năm, 20/02/2020, 16:10 (GMT+7)

Dịch SARS năm 2003 khiến 6 y bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp tử vong. Ký ức đau buồn ấy vẫn còn ám ảnh trong tâm trí nhiều người, đặc biệt với nữ y tá Nguyễn Thị Mến.

Nữ y tá sống sót kỳ diệu sau đại dịch SARS: Nỗi kinh hoàng 17 năm chưa
Y tá Nguyễn Thị Mến, Bệnh viện Việt Pháp được coi là bệnh nhân SARS nặng nhất ở Việt Nam và trên thế giới nhưng đã may mắn thoát chết trong dịch SARS lịch sử.

Người từ cõi chết trở về

Năm 2003, đại dịch SARS khiến 6 y bác sĩ ở Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội) tử vong không còn trong trí nhớ của nhiều người. Nhưng với y tá Nguyễn Thị Mến thì từng mốc thời gian, chị vẫn nhớ như in mà có lẽ cả đời này không thể quên.

Buổi sáng đầu tiên của tháng 3 năm đó, chị Mến thấy người ớn lạnh, sốt, cơ bắp đau nhức. Gọi điện đến bệnh viện xin nghỉ thì được biết vài đồng nghiệp khác cũng có triệu chứng tương tự.

Những triệu chứng đến với chị Mến và đồng nghiệp bắt đầu từ khi họ tiếp xúc với bệnh nhân Chong Cheng (quốc tịch Mỹ). Người này nhập viện Việt Pháp vào ngày 26/2, với các triệu chứng giống cúm nên các bác sĩ, y tá tại bệnh viện thăm khám và điều trị cho bệnh nhân này như với bệnh cúm thông thường khác.

“Có lúc ông Chong Cheng ho liên tục trong 40 phút, khoạc đầy một bô đờm, dính cả máu. Y tá Lượng và tôi là người trực tiếp chăm sóc cho ông Cheng và không dùng bất cứ biện pháp phòng ngừa nào. Bởi lúc đó nghĩ rằng ông chỉ nhiễm cúm thông thường. Vài ngày sau, tình trạng ông Cheng nguy kịch được gia đình thuê chuyên cơ đưa về nước. Còn chúng tôi lần lượt đều sốt, ho với biểu hiện gống hệt ông Cheng”, chị Mến kể lại.

Bệnh SARS được phát hiện đầu tiên vào tháng 3 năm 2003, khi Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân nước ngoài mắc bệnh lạ. Kể từ đó, SARS lan ra nhiều khu vực trên thế giới như Hong Kong, Trung Quốc Singapore, Canada... giết chết 774 người trong tổng số hơn 8.000 ca nhiễm trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, dịch đã hoành hành trong 45 ngày, gây nhiễm 65 người, làm 6 người tử vong.

Ngày 5/3, chị Mến hôn mê sâu phải nhập viện để điều trị, khi tỉnh dậy chị thấy giường bên có y tá Sinh và Lượng cũng đang nằm. Lúc đó, Y tá Uyên là trưởng kíp trực, dù cũng rất mệt và đau đớn nhưng vẫn phải chờ hết ca để nhập viện.

Ngày 8/3, những y tá này được chuyển sang khu cách ly, để hạn chế lây bệnh: “Đêm hôm đó, Uyên ho rũ rượi, đi chụp X-quang phổi đã trắng xóa. Còn tôi cảm giác như có người bóp cổ, dìm xuống đáy sông, không thở được. Bụng đau như cắt, từng thớ cơ trên người như bị giằng xé. Chúng tôi cảm thấy mình như bị tra tấn”, vừa nói đôi bàn tay chị vừa đan chặt vào nhau, hai môi mím chặt rồi thở dài.

Nữ y tá sống sót kỳ diệu sau đại dịch SARS: Nỗi kinh hoàng 17 năm chưa
Y tá Nguyễn Thị Mến tỉnh dậy trong sự vui mừng của đồng nghiệp. Ảnh nhân vật cung cấp

Cuối tháng 3, chị Mến tỉnh dậy trong sự vui mừng tột độ của đồng nghiệp, người thân. Ai nấy cũng chạy ra ôm hôn, chúc mừng chị. Phóng viên, nhà báo lúc đó đến kín cửa phòng để đợi được ghi hình, phỏng vấn. Bởi những người nhiễm SARS phải đặt nội khí quản trước đó không một ai qua khỏi. Sự hồi phục của chị Mến ngày ấy được xem là kỳ tích.

Sau khi tỉnh dậy, chị Mến hỏi thăm về Uyên, Lượng thì tất cả đều nói khỏe rồi, chị Mến muốn sang thăm thì mọi người đều lắc đầu bảo “đang trong diện cách ly”. Tối hôm đó, chị Mến vừa mở tivi thì đập vào tai chị là bản tin về dịch hô hấp cấp. Họ thống kê đến nay có 6 bệnh nhân chết vì SARS, khi nghe xong danh tính các nạn nhân, chị Mến đã ngất. Bởi những cái tên đó quá đỗi quen thuộc, đều là đồng nghiệp của chị, trong đó có 2 người bạn rất thân của chị đó là Uyên và Lượng.

Cả gia đình bị kỳ thị, cách ly

Thoát khỏi tử thần nhưng chị Mến không biết rằng người nhà mình bị cách ly từ khi biết chị mắc SARS. Chồng chị phải chờ trời tối mới dám ra ngoài mua thức ăn, mà cũng phải chọn một cái quán nào thật xa không ai biết mình. Các con thì không được đi học, hàng xóm thì sơ tán, bố chị ở Bắc Giang xuống thăm con  về cũng bị mọi người xa lánh.

“Ngày đó tôi gọi điện cho nhà trường để xin cho con được đi học thì nhà trường cho biết phải có xét nghiệm máu nhưng nhiều bệnh viện lại không dám làm xét nghiệm cho cháu. Họ bảo cháu đi học thì phụ huynh sẽ phản đối, cho con nghỉ hàng loạt”, chị Mến kể lại.

Nữ y tá sống sót kỳ diệu sau đại dịch SARS: Nỗi kinh hoàng 17 năm chưa
Y tá Mến ra viện ngày 2/4. Ảnh nhân vật cung cấp

Một gia đình em bé chị Mến chăm sóc ở viện trước khi bị SARS cũng gặp cảnh tương tự. Gia đình này mở cửa hàng gas, sau khi người dân biết gia đình này từng tiếp xúc với chị thì chẳng có ai mua. Mấy tháng sau gia đình này phá sản.

Dịch SARS đã khiến 44 y tá, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp lây bệnh, 6 người (trong và ngoài nước) đã chết. Ngoài ra, có 2 người liên quan cũng tử vong là bệnh nhân Johnny Cheng và bác sĩ Carlo Ubani. Bệnh viện Việt Pháp phải khử trùng, đóng cửa gần nửa năm. Tháng 11 năm đó, bệnh viện bắt đầu gây dựng lại.

Thời điểm ấy, người dân sống ở Hà Nội gặp ai cũng phải dè chừng. Người người bịt khẩu trang kín mít, hạn chế tiếp xúc, trò chuyện. Phố Phương Mai trước cổng Bệnh viện Việt Pháp vắng vẻ không một bóng người. Ngày ấy, nhắc tới Bệnh viện Việt Pháp người ta nghĩ đến thảm họa diệt vong. Bởi, nơi đó có đại dịch mang tên SARS – bệnh mà cả thế giới khiếp sợ.

Sự giày vò của bệnh tật cộng thêm cái chết của nhiều đồng nghiệp khác khiến y tá Mến bị stress nặng. May mắn sống sót sau đại dịch nhưng căn bệnh đã để lại quá nhiều di chứng cho chị. Một tháng sau khi ra viện chị Mến vẫn cảm thấy khó thở, hàng đêm cứ có cảm giác như bị ai chụp túi nylon vào đầu khiến chị không thở nổi.

Đêm không thể ngủ, người đau, chân phải không cử động. Hằng ngày đều có các bác sĩ đến châm cứu, bấm huyệt… nhưng không ăn thua: “Mất ngủ triền miên, tôi phải có người bóp chân, gội đầu mới có được giấc ngủ. Chồng tôi tình nguyện đêm nào cũng bóp chân cho vợ, hai người nằm trở đầu nhau như thế suốt mấy năm. Quen đến nỗi sau này cứ phải bóp chân cho vợ chồng mới ngủ được”, chị Mến nói.

Hiện giờ, đầu chị Mến vẫn mất một mảng tóc do nằm lâu, vẫn còn sẹo ở cổ do mở nội khí quản, mũi một bên to, bên nhỏ do đặt ống thở. Hàng ngày chị vẫn phải kiên trì luyện tập đôi chân, mỗi ngày chạy 4 vòng quanh Lăng Bác. Năm ngoái chị vừa leo Fanxipang. Năm nay, chị dự định sẽ leo tiếp vì vẫn đang còn phải chiến đấu với di chứng của SARS.

Tháng 3 hằng năm là một dịp đáng nhớ của Bệnh viện Việt Pháp cũng như cá nhân chị Mến. Rằm, mùng một hằng tháng chị đều ra ngôi miếu nhỏ thờ 6 y bác sĩ Việt Nam và nước ngoài đã ngã xuống trong trận dịch SARS 17 năm trước để thắp nhang tưởng nhớ họ.

Nữ y tá sống sót kỳ diệu sau đại dịch SARS: Nỗi kinh hoàng 17 năm chưa
Ngày Rằm, mùng một hằng tháng chị Mến đều ra miếu thắp hương tưởng nhớ những đồng nghiệp đã mất trong dịch SARS 17 năm trước.

Trên bia tưởng niệm ghi tên 6 người đã mất trong cuộc chiến chống dịch SARS năm 2003, theo thứ tự thời gian họ ra đi: Y tá Nguyễn Thị Lượng - 15/3/2003; bác sĩ Jean - Paul Dirosier - 19/3/2003; y tá Phạm Thị Uyên - 24/3/2003; bác sĩ Nguyễn Thế Phương - 24/3/2003; bác sĩ Nguyễn Hữu Bội - 12/4/2003; bác sĩ Jacque - 7/2003 (chết sau khi về Pháp).

Việt Nam là quốc gia đầu tiên khống chế được SARS

Giống như nhiều quốc gia khác, SARS tràn qua Việt Nam như một cơn bão, không chỉ để lại những thiệt hại to lớn về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra những khoảnh khắc đầy bi hùng. Ngày 26/2/2003, người bệnh SARS đầu tiên (một thương nhân người Mỹ) mắc bệnh ở Hong Kong, vào Bệnh viện Việt - Pháp - Hà Nội vì sốt, ho và khó thở. Rất nhanh, chỉ sau 5 ngày SARS đã lây sang các thầy thuốc và người bệnh đang nằm viện, đồng thời gây dịch ra cộng đồng (Hà Nội).

Bộ Y tế khẩn trương vào cuộc với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Ủy ban phòng chống SARS được thành lập, trực tiếp điều hành cả nước phòng chống dịch. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới là những đơn vị được giao nhiệm vụ sớm nhất, trực tiếp cùng Bệnh viện Việt - Pháp, Sở Y tế Hà Nội, Ninh Bình... bao vây khống chế dịch, thực hiện 2 mục tiêu cơ bản là không để dịch SARS tiếp tục lan rộng và hạn chế tử vong cho những người bệnh SARS đang nằm viện.

Trải qua 45 ngày (26/2 - 8/4/2003), bằng tấm lòng quả cảm, sự lao động sáng tạo, với sự giúp đỡ và hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế (WHO, JICA, Tổ chức Thầy thuốc không biên giới...), chúng ta đã chống SARS thành công. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên được WHO xác nhận đã khống chế thành công dịch SARS (ngày 28/4/2003).

 

.

 

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN