"Là một người mang quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam, tại sao lại đối xử với chúng tôi không có một chút tình nghĩa bạn bè hay là cùng chung một dòng máu đỏ da vàng? Chúng tôi đi làm cũng từ mồ hôi nước mắt, xương máu của mình.
Chúng tôi luôn phục vụ và kéo vali trong đêm. Chúng tôi mang trên mình một tà áo dài đi làm cũng như mang nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam ra khắp thế giới Tại sao lại đối xử kỳ thị với chúng tôi như vậy? Chúng tôi ra ngoài đường, trên đường đi tại sao lại bị ném thuốc lá vào người, vào trang phục?" - Thu Hà viết.
Thu Hà cho biết khi cô cùng chồng, cũng là một tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, đang dừng đèn giao thông thì bị người đi đường ném thẳng tàn thuốc lá vào áo dài rồi chửi bới. "Làm như vậy để trách móc chúng tôi hay sao? Sao mọi người không nghĩ những lúc dịch, chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu cùng mọi người trong suốt thời gian qua, nhưng chỉ vì một cá nhân mà mọi người lại đánh giá cả một tập thể.
Đồng nghiệp tôi sai, nhưng chúng tôi có đáng để bị mọi người đối xử như vậy hay không? Nghề chúng tôi là làm dâu trăm họ mà, nay đây mai đó, hết chuyện này tới chuyện khác nên cũng hiểu. Mong mọi người trong cộng đồng xem xét và đánh giá cho đúng. Chúng tôi thật lòng xin lỗi!" - Thu Hà viết.
Trả lời Báo Người Lao Động, nữ tiếp viên từng được Vietnam Airlines cử phục vụ đội tuyển Việt Nam trong các chuyến bay đi Philippines, Malaysia dự bán kết và chung kết AFF Suzuki Cup 2018, mong muốn dư luận đừng "giận cá chém thớt".
Những ngày qua thực sự là cơn ác mộng với Thu Hà và các đồng nghiệp. Nhiều người bức xúc chửi mắng ngay ngoài đường khi thấy trang phục tiếp viên Vietnam Airlines. Có người bị dí tàn thuốc thẳng vào vai. Các tiếp viên dặn nhau ra đường thì đi cùng đoàn vì trang phục truyền thống của Vietnam Airlines rất dễ nhận ra.
Vietnam Airlines cho biết, sau thông tin về ca nhiễm covid-19 của bệnh nhân 1342, nhiều tiếp viên khác của hãng bị lăng mạ, đe dọa khi mặc đồng phục. Đã có trường hợp tiếp viên bị dí thuốc lá cháy dở vào bả vai khi đang mặc đồng phục chờ đèn đỏ, nhiều trường hợp khác bị miệt thị, xa lánh.
Cũng theo thông báo, việc tiếp viên của hãng mặc đồng phục di chuyển ở các nơi công cộng trong thời điểm này là rất nhạy cảm, thậm chí nguy cơ mất an toàn. Tiếp viên của hãng cũng được khuyến nghị không mặc đồng phục hãng, đặc biệt là áo dài đồng phục, khi di chuyển ngoài đường và những nơi công cộng.
Trước đó, sáng 2/12, đại diện Vietnam Airlines cho biết Bộ Y tế và chính quyền địa phương đã đi kiểm tra các trung tâm cách ly của Vietnam Airlines (2 địa điểm tại TP HCM và 1 địa điểm ở Hà Nội). Các trung tâm này cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu về cơ sở vật chất.
Trước mắt, hãng đánh giá nam tiếp viên hàng không là bệnh nhân 1342 đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về cách ly của cả Nhà nước lẫn của Vietnam Airlines. Khi được cho về cách ly tại nhà thì phải thực hiện tự cách ly nghiêm túc nhưng tiếp viên này lại tiếp xúc với người khác.
"Chắc chắn sau khi hoàn tất các thủ tục cách ly, tiếp viên này sẽ bị kỷ luật. Tổng công ty cũng đang đánh giá, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan"- đại diện Vietnam Airlines khẳng định.