Thứ ba, 16/04/2024 | 20:03
RSS

Nữ bệnh nhân hoại tử vú vì ăn thực dưỡng chữa ung thư... theo cách trên MXH

Thứ bảy, 23/11/2019, 14:55 (GMT+7)

Thời gian qua, cộng đồng mạng truyền nhau những thông tin ung thư không nên điều trị, có thể khỏi bằng việc ăn thực dưỡng.... Cũng chính từ đây nhiều người học theo và đã phải trả giá đắt.

Hoại tử vú vì ăn thực dưỡng chữa ung thư

Bệnh nhân phải trả giá đắt vì ăn thực dưỡng chữa ung thư theo cách...trên mạng
Bệnh nhân ung thư bị hoại tử vú vì ăn thực dưỡng và đắp thuốc thải độc để trị bệnh. Ảnh: BSCC.

Phong trào nói không với điều trị ung thư gần đây gây sốt xuất phát từ lá thư từ những năm 90 thế kỷ trước của một bác sĩ người Nhật có tên Makoto Kondo khuyên những người nếu bị ung thư thì không cần chữa. Thay vào đó hãy giữ cho mình được trạng thái tinh thần tỉnh táo, cho đến thời khắc cuối cùng của cuộc đời.

Cũng theo vị chuyên gia này, ung thư dù phát hiện sớm cũng không có tác dụng. Lý do là tế bào ung thư gốc khai sinh tại thời điểm đầu tiên cho nên việc phát hiện sớm hay muộn cũng không có ý nghĩa điều trị.

Việc phẫu thuật là tổn thương nghiêm trọng do con người tạo ra. Phẫu thuật sẽ để lại vết thương, miệng vết thương sẽ phá vỡ ranh giới của các tế bào bình thường, các tế bào ung thư trong máu sẽ nhân cơ hội lan rộng, nhanh chóng thâm nhập vào các mô lành mạnh xung quanh, cuối cùng bùng phát nặng hơn. Ngoài ra, bác sĩ Kondo còn đưa ra thêm quan điểm không nên điều trị hóa trị liệu vì rất độc hai khiến cho người bệnh sẽ tử vong nhanh hơn.

Bên cạnh trào lưu nói không với điều trị ung thư theo khoa học thì phong trào chữa ung thư bằng thực dưỡng cũng gây xôn xao và được không ít người chia sẻ, học tập. Phác đồ thực dưỡng chữa ung thư do một người Nhật tên George Ohsawa đưa ra gồm 10 giai đoạn ban đầu hạn chế dần dần, đến giai đoạn cuối thì người bệnh chỉ còn ăn gạo lứt muối mè và uống nước. 

Mới đây theo chia sẻ của bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, khoa có tiếp nhận một bệnh nhân bị ung thư vú. Người bệnh này phát hiện từ khi khối u kích thước nhỏ. Tuy nhiên họ lại nghe theo những lời khuyên ăn thực dưỡng với gạo lứt muối mè sau rồi đắp thuốc... hút tế bào độc bằng khoai sọ với lời đảm bảo khỏi 100%.

Thế rồi vài tháng sau bệnh nhân vào viện trong tình trạng khối u hoại tử, hạch di căn xuất hiện. Lúc này thì bác sĩ chỉ còn biết "khóc ròng" còn bệnh nhân hối hận thì đã muộn.

Ung thư không nên động dao kéo và có thể chữa khỏi bằng thực dưỡng?

Bệnh nhân phải trả giá đắt vì ăn thực dưỡng chữa ung thư theo cách...trên mạng 2
Chế độ ăn thực dưỡng với gạo lứt và muối mè. Hình minh hoa.

Theo BS Ngô Đức Hùng, trước đây, ung thư bị coi là "con ngáo ộp" bởi khi phát hiện ra thì nó đã trong giai đoạn di căn. Đồng thời kỹ thuật chẩn đoán cũng như các thế hệ thuốc điều trị lạc hậu không giúp ích gì nhiều cho người bệnh.

Đó là lý do bác sĩ người Nhật Makoto Kondo đã viết bức tâm thư nếu bị ung thư thì đừng chữa nữa. Bức thư này từ thập kỷ 90 thế kỷ không hiểu sao lại được chia sẻ lại và gây xôn xao. Có không ít người bệnh ung thư nhẹ dạ cả tin đã học theo những thông tin vô căn cứ này.

Từ những năm 2000 trở lại đây, thế giới có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong điều trị ung thư. Còn tại Việt Nam từ khoảng 2010 đã có tiến bộ rõ rệt trong chẩn đoán cũng như điều trị. Các xét nghiệm theo dõi cũng tốt hơn và chính xác hơn giúp bác sĩ theo dõi đường đi của tế bào ung thư tốt hơn. Riêng với bộ 3 bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung nếu phát hiện sớm và phối hợp điều trị sớm có thể tự tin khỏi bệnh hoàn toàn. Còn các ung thư khác cải thiện rất tốt.

Về phương pháp ăn thực dưỡng để chữa ung thư, PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K cho biết, phương pháp này thực chất cũng như một hình thức ăn chay, nhìn tổng thể những người ăn chay do không ăn thịt nên sẽ ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc hơn những người ăn bình thường. Nếu đảm bảo đầy đủ năng lượng thì đây cũng là chế độ ăn tốt vì ăn nhiều rau, hoa quả có thể giúp dự phòng một số một số loại ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng.

”Tuy nhiên, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đó là phương pháp điều trị ung thư, là một sai lầm và dĩ nhiên sẽ không mang lại hiệu quả”, PGS.Thuấn cho biết.

Bên cạnh đó có nhiều bệnh nhân quan niệm không uống sữa, không ăn thịt vì sợ sẽ ”nuôi” tế bào ung thư. Theo PGS Thuấn, những kiêng kỵ này không có sơ khoa học bởi với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn.

”Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chứ không phải hoàn toàn kiêng thịt, cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày”, ông Thuấn nhấn mạnh.

Giám đốc bệnh viện K khuyến cáo, nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, bản thân sẽ không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư.

Lê Minh
Theo Đời sống Plus/GĐVN