Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:12
RSS

Tầm soát ung thư bằng PET/CT: Giàu như nước Nhật không dùng, người Việt lại lạm dụng vô tội vạ

Thứ ba, 05/11/2019, 16:29 (GMT+7)

PET/CT scan chỉ phát huy hiệu quả hay có ý nghĩa khi đã có chẩn đoán bệnh ung thư, chứ không phải dùng PET/CT scan đi tầm soát ở những người đang khỏe mạnh.

LTS: PET-CT là kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ chẩn đoán ở những bệnh nhân đã bị ung thư, hoặc có nghi ngờ bị ung thư. Nhưng, một số cơ sở y tế lại đang lạm dụng xét nghiệm này trong tầm soát ung thư, tức tiến hành trên cả những người khỏe mạnh không có triệu chứng.

Để góp phần làm rõ những hiểu nhầm về tầm soát ung thư , xin giới thiệu bài viết của TS.BS Phạm Nguyên Quý (khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản). Bài viết cung cấp thêm góc nhìn về tầm soát/sàng lọc ung thư, lấy tầm soát ung thư đại trực tràng làm ví dụ, mong giúp cộng đồng lựa chọn đúng phương pháp thích hợp.

Tầm soát ung thư đại trực tràng: Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Ung thư đại trực tràng là một trong các loại ung thư phổ biến ở Việt Nam Tại Nhật Bản ung thư đại trực tràng cũng chiếm hàng thứ 2 ở nữ giới và đứng hàng thứ 3 ở nam giới, với tỉ lệ tử vong cao và chất lượng cuộc sống giảm khi phát hiện ở giai đoạn muộn.

Để khắc phục tình trạng này, chính phủ Nhật Bản đã triển khai một số chính sách nhằm thúc đẩy việc phát hiện và điều trị ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm hơn.

Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng trong giai đoạn sớm lại thường không có triệu chứng. Khi khối u đã phát triển lớn hơn, xâm lấn hoặc lan ra nơi khác (di căn) thì mới gây nên triệu chứng như đi cầu ra máu, táo bón… 

Chính vì thế, phương pháp tầm soát tiêu chuẩn, dựa trên bằng chứng khoa học ở Nhật Bản là hỏi bệnh kết hợp với xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân.

Tầm soát ung thư bằng PET/CT: Giàu như nước Nhật không dùng, người Việt lại lạm dụng vô tội vạ - Ảnh 3.
Máy quét PET-CT

Hỏi bệnh sử rất quan trọng vì sẽ giúp phân nhóm bệnh nhân nào thích hợp cho việc tầm soát (vì không có triệu chứng nên thường phải tự trả chi phí), bệnh nhân nào nên đi khám chuyên sâu ngay để chẩn đoán và điều trị với bảo hiểm y tế đồng chi trả từ đầu. 

Còn xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân là xét nghiệm xem trong phân có máu nhỏ li ti, không thấy được bằng mắt thường hay không. Đây là xét nghiệm an toàn, rẻ, dễ thực hiện và đã được chứng minh là giúp giảm tỉ lệ tử vong do ung thư gây ra.

Hiện nay, trong tổng số bệnh nhân phát hiện ung thư đại tràng qua tầm soát ở Nhật Bản có tới hơn 90% đang ở giai đoạn không có triệu chứng. 50% số đó có thể chữa lành hoàn toàn nhờ can thiệp sớm. Đây là con số có ý nghĩa vì việc tầm soát đã không chỉ giúp giảm tỉ lệ tử vong mà còn làm giảm gánh nặng liên quan tới chi phí y tế.

PET-CT là gì?

Chụp Positron cắt lớp (Positron Emission Tomography, PET) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y học tạo ra các hình ảnh thể hiện vị trí của các tế bào có bất thường chuyển hóa trong cơ thể.

Kỹ thuật này được sử dụng nhiều nhất trong việc chẩn đoán ung thư vì các tế bào ung thư thường tăng chuyển hóa (ví dụ tăng thu nạp đường) so với tế bào lành xung quanh.

Chụp Positron cắt lớp cũng thường được kết hợp với chụp CT (PET-CT) để tạo nên hình ảnh chức năng và hình thái của cơ quan cần khảo sát, giúp cho các bác sĩ xác định chính xác vị trí giải phẫu của tổn thương có bất thường chuyển hóa.

Đối với bệnh ung thư, các bác sĩ có thể đề nghị chụp PET-CT để:

- Phân giai đoạn hoặc khảo sát ung thư đã di căn tới đâu.

- Đánh giá hiệu quả của điều trị ung thư ở một số loại ung thư ở một số tình huống.

- Hỗ trợ chẩn đoán một khối u có khả năng là ung thư hay không, qua so sánh đặc tính chuyển hóa (ví dụ, sự khác nhau giữa mô sẹo và mô ung thư đang hoạt động).

Bảy điều kiện để đánh giá hiệu quả của các phương pháp tầm soát ung thư

Tuy nhiên, không phải mọi phương pháp tầm soát đều tốt. Người ta thường đưa ra 7 điều kiện sau đây để đánh giá "độ tốt" của các phương pháp tầm soát ung thư.

1. Loại bệnh tầm soát: Thường là bệnh phổ biến và có tỉ lệ tử vong cao

Đối tượng đi tầm soát là những người khỏe mạnh nên xác suất để tìm thấy bất thường có thể nói là không cao. Vì thế, những loại ung thư "thích hợp" cho việc tầm soát là những loại có nhiều người mắc bệnh và tử vong như ung thư gan, vú, đại tràng, phổi, dạ dày, tử cung…

Bệnh hiếm quá thì tầm soát cũng khó phát hiện, trong khi bệnh nhẹ thì việc phát hiện sớm không có nhiều ý nghĩa bằng.

2. Khả năng phổ biến: Dễ thực hiện, giá thành rẻ

Vì tầm soát cần được thực hiện trên nhiều người, phương pháp xét nghiệm phức tạp mà chỉ một vài cơ sở y tế mới làm được sẽ không thích hợp. Cần chọn ra phương pháp mà nhiều nơi có thể đầu tư máy móc và nhân lực dễ dàng.

Về giá cả, tầm soát thật ra là một sự đầu tư cho tương lai. Người ta chi tiền lặp lại xét nghiệm định kỳ để tránh việc tốn tiền điều trị ung thư giai đoạn muộn về sau. Vì vậy, giá thành xét nghiệm mắc quá thì đầu tư sẽ không hiệu quả; ít người "đầu tư" và kết cục là không thể phổ biến phương pháp giúp nhiều người tham gia tầm soát.

3. Độ chính xác: Không cần quá cao nhưng phải đủ cao

Tầm soát ung thư bằng PET/CT: Giàu như nước Nhật không dùng, người Việt lại lạm dụng vô tội vạ - Ảnh 5.
Một hình ảnh thường được dùng để quảng cáo cho "hiệu quả hơn hẳn" giữa Chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp Positron cắt lớp (PET). Ảnh từ Internet

Lưu ý rằng xét nghiệm tầm soát không phải là xét nghiệm để chẩn đoán ung thư. Khi phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ đề nghị làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu (như sinh thiết) để xác minh chẩn đoán cuối cùng. 

Vì thế, nếu phương pháp tầm soát có tỉ lệ dương tính giả cao (báo có bất thường nhưng rốt cuộc chẳng phải ung thư) thì hay dẫn tới hao tổn tài chính, nguy cơ gặp biến chứng khi xét nghiệm thêm, gây lo lắng cho bệnh nhân và người thân.

Ngược lại, nếu tỉ lệ âm tính giả cao (báo là bình thường mặc dù có ung thư!) thì có thể làm chậm trễ hay bỏ lỡ chẩn đoán và gián tiếp làm hại bệnh nhân. Xét nghiệm có cả hai tỉ lệ này thấp là tối ưu nhưng đa số lại không được như vậy.

Trong tầm soát, vì nguy cơ bỏ lỡ chẩn đoán thường được xem là nghiêm trọng hơn nên người ta hay ưu tiên các phương pháp có tỉ lệ âm tính giả thấp.

4. Độ an toàn: Không quá nguy hiểm và được thực hiện an toàn

Mỗi phương pháp xét nghiệm kèm theo nguy cơ gặp tác dụng phụ/biến chứng khác nhau. Vì việc tầm soát thường được thực hiện trên những người khỏe mạnh, sự an toàn phải được coi trọng để không làm hại người đi tầm soát. Xét nghiệm ít có nguy cơ biến chứng hơn cần được ưu tiên.

5. Khả năng điều trị sớm: Có phương pháp điều trị hiệu quả nhờ phát hiện sớm

Tầm soát chỉ thật sự ý nghĩa nếu có phương pháp điều trị hiệu quả cho căn bệnh ở giai đoạn sớm. Ví dụ, khi phát hiện thấy tổn thương tiền ung thư (polyp), việc cắt bỏ hoàn toàn qua ống nội soi mềm (polypectomy) giúp bệnh nhân tránh một cuộc phẫu thuật lớn và không phải cắt một phần đại tràng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

6. Ý nghĩa thực tế: Giúp làm giảm tỉ lệ tử vong

Mục tiêu cuối cùng của tầm soát ung thư là làm giảm tỉ lệ tử vong. Nếu chỉ phát hiện nhiều ca bệnh hơn thôi thì mục tiêu nói trên vẫn chưa đạt tới. Hơn nữa, việc tầm soát cũng sẽ phát hiện ra những căn bệnh chẳng ảnh hưởng mấy tới tỉ lệ tử vong hay tiên lượng sống. Những phương pháp "vô thưởng vô phạt" như thế thì không có ý nghĩa. 

Chính vì vậy, phương pháp tầm soát cần phải được đánh giá và chứng minh bằng số liệu khoa học rằng nó có thể cải thiện tỉ lệ tử vong. Gần đây, trong chẩn đoán và điều trị ung thư, người ta còn chú trọng tới ý nghĩa cải thiện chất lượng cuộc sống.

7. Lợi ích tổng thể: Nhìn chung có lợi nhiều hơn có hại

Những điểm bất lợi do tầm soát cần cân nhắc bao gồm:

- Nguy cơ gặp tác dụng phụ/biến chứng do tầm soát.

- Khả năng kết quả tầm soát dẫn đến việc thực hiện tiếp các xét nghiệm và/hoặc điều trị không cần thiết, tức làm xét nghiệm/điều trị quá mức.

- Ảnh hưởng lên tâm lý người đi tầm soát như lo lắng, ưu phiền… khi chờ đợi kết quả các xét nghiệm giúp xác nhận hoặc loại trừ nghi ngờ.

Trong thực hành y khoa, người ta thường đánh giá "lợi ích tổng thể", tức xem lợi ích của phương pháp tầm soát có NHIỀU hơn bất lợi hay tác hại mà nó đem lại hay không.

Với các tiêu chí trên, hiện tại nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (dùng ít nhất là 2 mẫu phân ở hai ngày khác nhau, lặp lại mỗi năm một lần) là tốt nhất để tầm soát ung thư đại tràng. Xét nghiệm này đã được đưa vào chương trình tầm soát tập thể tại Nhật Bản với nguồn kinh phí từ nhà nước và một số tổ chức Công đoàn.

Những phương pháp khác như nội soi đại tràng sigma, nội soi toàn đại tràng dù có số liệu cho thấy khả năng chẩn đoán chính xác hơn và giúp giảm tỉ lệ tử vong, nhưng những khó khăn trong việc thực hiện, giá thành cao và tỉ lệ biến chứng đi kèm cao (tỉ lệ chảy máu/thủng ruột là 0,07% ở Nhật) vẫn là trở ngại khiến chúng không thể được xem là lựa chọn tối ưu.

PET/CT không phải là phương pháp tầm soát ung thư?

Theo các tiêu chí trên, PET/CT scan HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI là phương pháp tầm soát ung thư, bao gồm cả ung thư đại trực tràng vì khó thực hiện, giá thành quá cao và chưa có số liệu cho thấy nó giúp làm giảm tỉ lệ tử vong trong cộng đồng. Nguy cơ từ phơi nhiễm phóng xạ cũng là điều đáng ngại khi cân nhắc lợi ích tổng thể.

Tuy nhiên, một số cơ sở y tế vẫn hay quảng cáo về độ chính xác của PET/CT để khuyến khích tiến hành tầm soát theo nguyện vọng khách hàng.

Thật ra, các nghiên cứu đã cho thấy PET/CT có tỉ lệ dương tính giả (PET/CT nói "ung thư" nhưng rốt cuộc chẳng phải ung thư) là 20%-40% tùy vùng hay cơ quan được đánh giá.

Tỉ lệ âm tính giả (PET/CT nói không phải ung thư, nhưng rốt cuộc lại là ung thư) của PET/CT vùng ngực tầm 10%, tức là cũng không thể an tâm hoàn toàn khi xét nghiệm cho kết quả bình thường.

Vì những lý do trên mà PET/CT scan chỉ phát huy hiệu quả hay có ý nghĩa khi đánh giá giai đoạn bệnh ung thư, đáp ứng điều trị và sự tái phát sau điều trị, tức là chỉ khi nào đã có chẩn đoán bệnh ung thư, chứ không phải dùng PET/CT scan đi tầm soát ở những người đang khỏe mạnh.

Lạm dụng PET-CT: Góc khuất của công tác quản lý chương trình tầm soát

Tuy nhiên, một số cơ sở y tế tại Việt Nam đang quảng cáo hoặc khuyến khích dùng PET-CT để tầm soát ung thư và vẫn có khá nhiều khách hàng đăng ký.

Thực trạng này phần nào phản ánh một vấn đề nổi cộm hơn là Việt Nam chưa có chiến lược tầm soát ung thư hiệu quả do chính phủ quản lý chất lượng. 

Ngược lại, bài toán tầm soát ung thư lại đang được đẩy về mỗi cá nhân, để người dân tự quyết định dựa trên nỗi sợ bệnh ung thư và tìm tới các cơ sở y tế với các gói tầm soát "trăm hoa đua nở" và "thượng vàng hạ cám". 

Những gói khám này đôi khi còn kèm thêm khuyến mãi giảm giá hoặc tặng thêm sản phẩm, hoặc được quảng cáo phóng đại để thu hút sự quan tâm của các khách hàng.

Thực trạng này không dễ cải thiện. Cần có cái nhìn toàn cảnh và phối hợp nhiều ban ngành để mọi thứ được thay đổi đồng bộ, giúp việc tầm soát mang lại lợi ích tổng thể cao nhất cho nhiều người dân.

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

TS.BS. Phạm Nguyên Quý
Theo Trí thức trẻ