Ngoài khẩu trang hay nước rửa tay sát khuẩn, mới đây trên thị trường xuất hiện loại nón được cho là 'nón chống dịch' có tác dụng ngăn giọt bắn, đề phòng nguy cơ nhiễm Covid-19 được nhiều người sử dụng.
Nón chống dịch được nhiều người mua về sử dụng. Ảnh Tuổi trẻ.
Nhiều người cho rằng loại 'nón chống dịch' này có thể cản được bụi và giọt bắn từ những người xung quanh. Với nhiều tính năng hữu dụng, đây là mặt hàng được không ít người săn đón chỉ sau khẩu trang và nước rửa tay.
Chị Nguyễn Thu Hương (27 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chuyên bán hàng online chia sẻ trên Zing news: "Tôi thấy trên mạng xã hội chia sẻ khá nhiều về chiếc nón kiểu này này. Thấy có tác dụng nên tôi cũng tìm hiểu và nhập về bán. Tôi đã bán được vài chục chiếc. Mũ này có giá 85.000-105.000 đồng cho loại của trẻ em, 90.000-160.000 với mũ người lớn".
Ghi nhận của PV Tuổi trẻ tại một số tuyến đường như Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), 3-2 (Q.10, TP.HCM)... bày bán "nón chống dịch" cho thấy loại nón này thu hút được đông đảo người mua. Với giá bán dao động từ 80.000-100.000 đồng/nón, nhiều người sẵn sàng mua cho gia đình mỗi người một chiếc vì tin tưởng sẽ chống được dịch covid-19
Theo quan sát, "nón chống dịch" có hình dáng, mẫu mã đa dạng như các loại nón thông thường, tuy nhiên phía trước có gắn phần che chắn bảo hộ bằng nhựa trong suốt, giúp che toàn bộ mặt người dùng.
Một người bán "nón chống dịch" trên đường 3-2 (Q.10) cho biết loại nón che mặt chống giọt bắn được trang bị kính bảo hộ bằng nhựa trong suốt, giúp che chắn hoàn toàn mặt người sử dụng nón với đủ màu sắc dành cho người lớn và cả trẻ em. "Mặc dù mới bán chỉ vài ngày gần đây nhưng mỗi ngày tôi có thể bán được hơn 100 nón", người này cho biết.
Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng - khoa ngoại chấn thương Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM - cho biết đối với những bệnh nhân dương tính COVID-19 khi ho, hắt xì trong không khí sẽ có những giọt bắn dễ lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp. Khi có tấm màn kính tỉ lệ giọt bắn đi vào đường hô hấp sẽ thấp hơn, tuy nhiên những sản phẩm này không thể thay thế được hoàn toàn các biện pháp phòng hộ khác như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Những chiếc nón có tấm nhựa mỏng che chắn này không thể bao quát toàn bộ cơ thể, chúng chỉ là công cụ bảo hộ hỗ trợ có tác dụng ngăn chặn được các giọt bắn. Ngoài việc sử dụng nón che chắn này, mọi người nên đeo thêm khẩu trang để đảm bảo an toàn.
Bác sĩ Châu Thị Mạnh Thu - khoa tai mũi họng Bệnh viện Thống Nhất - cho biết thêm đến nay việc sử dụng các loại nón có kính che chắn này vẫn chưa được Bộ Y tế khuyến cáo. Nếu lạm dụng chúng sẽ tạo ra cảm giác an toàn ảo, bỏ qua các bước phòng ngừa cơ bản.
Nhận định về tác dụng của loại mũ này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết trên Zing news, người dân có thể sử dụng để ngăn giọt bắn từ người bệnh văng ra ngoài. Với người khỏe mạnh, họ có thể ngăn giọt bắn từ người bệnh. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng kết hợp cùng khẩu trang. Chúng chỉ giúp hỗ trợ một phần, không có nhiều tác dụng và không thể thay thế cho khẩu trang.
Theo bác sĩ Cấp, khi sử dụng, người dân lưu ý không chạm tay vào mặt ngoài của mũ. Sau khi dùng, cần vệ sinh bằng cồn hoặc xà phòng, phơi nắng thường xuyên.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần có hiểu biết để không hoang mang, lo lắng quá. Người dân nên vào website của Bộ Y tế để theo dõi thông tin, khai báo trung thực, thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm, khử khuẩn, vệ sinh môi trường cá nhân, đặc biệt rửa tay với xà phòng. Đó là những biện pháp cần thiết vừa phòng bệnh cho mình, gia đình và cộng đồng.