Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:25
RSS

Những quốc gia nào còn ‘miễn nhiễm’ với Covid-19?

Thứ bảy, 04/04/2020, 11:00 (GMT+7)

Covid-19 đã ‘càn quét’ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên thế giới chỉ còn 18 nước chưa ghi nhận người nhiễm Covid-19.

Những quốc gia nào còn miễn nhiễm với Covid-19?
Nauru là môt trong những quốc gia còn ‘miễn nhiễm’ với Covid-19. Ảnh: Dân Việt

Tính đến 7h sáng ngày 4/4 đã có 206 quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm Covid-19. Toàn thế giới có 1.097.810 người nhiễm Covid-19 trong đó tử vong chiếm 59.140 người.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, đặc biệt tại các nước Châu Âu và Mỹ. Số ca nhiễm tăng cao kéo theo tình trạng quá tải bệnh viện, thiếu thốn trang thiết bị y tế và đồ bảo hộ, nhân viên y tế làm việc trong tình trạng kiệt sức.

Dựa vào bối cảnh ‘siêu lây nhiễm’ toàn cầu, đâu là quốc gia còn đang ‘miễn nhiễm’ với virus corona?

Câu trả lời được BBC – đài truyền hình quốc gia lâu đời nhất thế giới – thống kê tính tới ngày 3/4. BBC đã sử dụng dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, ghi nhận còn 18 quốc gia chưa có ca nhiễm Covid-19.

18 nước trong danh sách bao gồm:

Comoros (Đông Phi), Kiribati (Thái Bình Dương), Lesotho (miền nam châu Phi), quần đảo Marshall (Thái Bình Dương), Micronesia (Thái Bình Dương), Nauru (Thái Bình Dương), Triều Tiên, Palau (Thái Bình Dương), Samoa (Thái Bình Dương), Sao Tome & Principe (Trung Phi), quần đảo Solomon (Nam Thái Bình Dương), Nam Sudan (Bắc Phi), Tajikistan (Trung Á), Tonga (Thái Bình Dương), Turkmenistan (Trung Á), Tuvalu (Thái Bình Dương), Vanuatu (Thái Bình Dương), Yemen (Trung Đông)

Căn cứ vào số liệu trên, trong số các địa điểm có 7 nơi lọt vào danh sách những quốc gia ít du khách ghé thăm nhất thế giới.

Chính sự hẻo lánh xa xôi, thu hút ít khách du lịch cùng diện tích quốc gia nhỏ, vô hình là một 'màng bọc' an toàn, ngăn chặn virus corona.

Theo Báo Dân Việt đưa tin, Nauru, đảo quốc ở Thái Bình Dương, là nước thành viên UN nhỏ thứ 2 (xét về diện tích - sau Monaco). Trong khi đó, với dân số 10.000 người, Nauru là nước có dân số thấp thứ 2, sau Tuvalu.

Giới chức Nauru đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Ngày 2/3, đảo quốc Thái Bình Dương này cấm toàn bộ du khách tới từ Trung Quốc Hàn Quốc và Italia. 5 ngày sau, du khách Iran được thêm vào danh sách.

Đất nước này coi sân bay cũng như một phần biên giới. Cách ly những người từ Úc (là những công dân Nauru) trở về. Những người này đều được theo dõi và kiểm tra triệu chứng mỗi ngày. Họ được cách ly và làm xét nghiệm Covid-19. Các mẫu thử được gửi tới Úc nhưng tới nay tất cả đều âm tính.

Nauru không chỉ là đảo quốc duy nhất ở Thái Bình Dương tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Kiribati, Tonga, Vanuatu và một số nước khác cũng có động thái tương tự.

Tiến sĩ Colin Tukuitonga, chuyên gia y tế công cộng - cựu ủy viên Tổ chức Y tế thế giới, nhận định, sự cẩn trọng của các quốc đảo nhỏ nhằm bảo về an toàn tối đa cho người dân tại nơi đây. Một khi Covid-19 xâm nhập, rất khó để giữ được bình ổn và tránh khỏi những điều tồi tệ tại các quốc đảo này.

Bên cạnh đó, tiến sỹ cũng chia sẻ, khu vực Nam Thái Bình Dương, nhất là các đảo quốc xa xôi ở đây sẽ khó bị Covid-19 xâm nhập.

Ngoài các quần đảo nhỏ, Triều Tiên là một trong những nước chưa báo cáo bất kỳ ca nghi nhiễm hoặc được xác nhận nhiễm Covid-19 nào. Tuy nhiên, nơi đây đã áp dụng những biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. 

Đất nước này đã cho đóng cửa biên giới với Trung Quốc và Nga, hủy bỏ các sự kiện mang tính quốc tế vốn được lên kế hoạch từ trước. Triều Tiên cũng ra quyết định đóng cửa trường học vô thời hạn, nhằm ngăn chặn tối đa sự lây nhiễm virus corona.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, một trận động đất lớn với cường độ 7,4 độ richter đã xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan khiến cảnh báo sóng thần cho hòn đảo và miền nam Nhật Bản.